GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Thưa ông, các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều tự chủ 100%, họ thu học phí rất cao và cũng dành một khoản tiền thích đáng để cấp học bổng cho sinh viên giỏi. Còn với Việt Nam, được tự chủ, các trường đại học sẽ đặt ra mức phí rất cao, nhưng chỉ để nâng cao thu nhập cho người lao động…
Ở nước ngoài, trường đại học là tổ chức giáo dục tư thục, họ có toàn quyền trong việc ấn định mức học phí, trường càng danh giá mức thu học phí càng cao, nên họ có kinh phí đầu tư cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trả thu nhập xứng đáng cho các nhà khoa học và dành một phần để cấp học bổng cho sinh viên giỏi trên toàn thế giới. Thực ra, việc cấp học bổng cho sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc, sinh viên có tài năng đặc biệt cũng là việc quảng bá thương hiệu cho nhà trường.
Còn ở Việt Nam, mặc dù cơ sở giáo dục, đào tạo được tự chủ về tài chính, học phí được chuyển thành giá dịch vụ giáo dục, nhưng giá dịch vụ này vẫn do Nhà nước định giá bằng giá trần, hoặc khung giá. Cơ sở giáo dục, đào tạo không được ban hành mức giá vượt giá trần, vượt khung giá (ngoại trừ một số ít loại đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo nhu cầu) vì giáo dục là dịch vụ đặc biệt, phổ quát. Với mức học phí như hiện nay và sẽ nâng dần theo lộ trình, thì thu nhập của người lao động làm trong lĩnh vực này cũng vẫn còn khá thấp so với cống hiến của họ.
Với cơ chế tài chính như hiện nay, nhiều người tính toán, GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ) về Việt Nam làm việc thì lương cũng chỉ vào khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Nếu là người đứng đầu cơ sở đào tạo, với cơ chế tài chính này, ông có thể trả lương cho GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn bao nhiêu?
Việc chi trả thu nhập của Việt Nam phụ thuộc vào hệ số lương, thời gian làm việc, phụ cấp chức vụ, học hàm, học vị…, nên ngay cả việc được tự chủ tài chính thì đơn vị sự nghiệp công cũng khó có thể trả lương cho cá nhân nào đó với mức cao hơn nhiều lần người khác.
Nếu có, thì cũng chỉ chi trả thêm hoặc hỗ trợ thêm về nhà ở, phương tiện đi lại dưới dạng thu hút nhân tài và có thể giao thêm đề tài nghiên cứu khoa học để họ có thu nhập thêm, nhưng cũng không đủ hấp dẫn để thu hút những nhà khoa học đầu ngành cỡ như GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn về làm việc thường xuyên.
Vì sao vậy, thưa ông?
Về nguyên tắc, đơn vị tự chủ hoàn toàn về tài chính, biên chế, tổ chức, bộ máy có thể trả lương rất cao cho các chuyên gia, nhà giáo dục đầu ngành. Nhưng tôi tin rằng, ít có người đứng đầu cơ quan sự nghiệp công lập tự chủ nào trả lương cho một vài cá nhân nào đó gấp nhiều lần người khác vì ngành nghề nghiên cứu, giảng dạy rất đa dạng, phong phú, rất khó để so sánh “trình” của người làm trong lĩnh vực này với “trình” của người làm trong lĩnh vực khác, chưa kể những người có trình độ thấp hơn lại có nhiều cống hiến hơn, có thâm niên cao hơn, giữ chức vụ cao hơn.
Vì thế, chỉ có thể trả lương cho người có năng lực đặc biệt cao hơn những người khác ở mức độ nào đó, chứ không thể trả quá cao được, trả lương quá cao nếu không dẫn đến kiện tụng, mất đoàn kết thì đến cuối nhiệm kỳ, khi lấy phiếu tín nhiệm, chắc chắn người đứng đầu đơn vị sự nghiệp sẽ khó tại vị thêm nhiệm kỳ nữa.
Giáo dục, dạy nghề, đào tạo, y tế… có thể giao tự chủ về tài chính vì những lĩnh vực này được thu phí theo nguyên tắc giá dịch vụ. Còn báo chí không có khoản thu phí, nên nếu tự chủ rất khó khăn về tài chính?
Cơ quan báo chí được tự chủ về tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy “dễ thở” hơn so với việc không tự chủ. Cụ thể, với những loại thông tin do Nhà nước đặt hàng (thông tin cho đồng bào dân tộc; thông tin về khuyến nông, khuyến lâm; tuyên truyền về biển đảo…, thì Nhà nước trả tiền cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị nào làm tốt thì thắng thầu, có thêm nguồn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Những cơ quan khác không thực hiện nhiệm vụ kể trên thì sống bằng việc cung cấp thông tin. Vấn đề là, thông tin phải nhanh nhậy, có độ tin cậy cao, thì người đọc chấp nhận bỏ tiền mua thông tin.
Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP, theo đó, các cơ quan báo chí được tự chủ tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều cơ quan báo chí khó khăn về tài chính?
Nhà nước không ấn định giá bán báo, giá quảng cáo, các cơ quan báo chí được toàn quyền tự chủ từ khoản thu từ bán báo, quảng cáo. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin quyết liệt và ngày càng có thêm nhiều báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, thì chỉ cơ quan báo chí nào hoạt động nghiêm túc, cung cấp thông tin chính xác, được độc giả chấp nhận thì tồn tại và phát triển.
Tất nhiên, một số cơ quan báo chí gặp khó khăn còn có nguyên nhân trước đây quy định về quảng cáo trên báo chí quá chặt chẽ, không hợp lý..., nhưng tất cả những vấn đề này đã được tháo gỡ bằng Luật Quảng cáo năm 2013 và các luật thuế được sửa đổi, bổ sung gần đây. Vì thế, được tự chủ hoàn toàn là cơ hội để phát triển báo chí nói chung, các phương tiện thông tin đại chúng nói riêng.