“Trả lời như Chánh án thì không cần trả lời cũng được”

(ĐTCK) Sáng nay (17/11), trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Binh đã giải trình vì sao việc bồi thường cho cựu giám đốc bị xét xử oan Lương Ngọc Phi kéo dài hàng chục năm vẫn chưa kết thúc.
“Trả lời như Chánh án thì không cần trả lời cũng được”

Giải quyết bồi thường không chậm

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về vụ án oan của cựu giám đốc Lương Ngọc Phi. Đại biểu Xuyền nêu: "Vụ án kéo dài hàng chục năm trời mà đến nay việc bồi thường cho người bị oan sai vẫn chưa kết thúc. Vì sao vụ án bị kéo dài? Liệu Chánh án Trương Hòa Bình có giải pháp gì để việc bồi thường sớm kết thúc và có thể kết thúc trong năm 2015 hay không?".

Theo giải trình của Chánh án Trương Hòa Bình, ông Lương Ngọc Phi, nguyên là giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (tỉnh Thái Bình) đã bị khởi tố, điều tra, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "Trốn thuế" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" từ năm 1998.

Bản án sơ thẩm đã tuyên phạt ông Phi 14 năm tù giam vì tội Lạm dụng tín nhiệm, 3 năm tù giam vì tội Trốn thuế, tổng hợp hình phạt 17 năm tù. Sau đó ông Lương Ngọc Phi kháng cáo. Khi đưa ra xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên bố ông Phi không phạm tội Lạm dụng tín nhiệm và hủy một phần bản án về tội Trốn thuế để điều tra lại.

Sau khi điều tra lại, Viện kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ điều tra với ông Lương Ngọc Phi về hành vi Trốn thuế. Do đó, Tòa án có trách nhiệm bồi thường cho ông Phi.

Về bồi thường, có quá trình cụ thể: tháng 6/2006, ông Phi có đơn yêu cầu bồi thường. Quá trình thương lượng kéo dài mà không đạt được thỏa thuận nên ông Phi tiến hành khởi kiện. Có hai vụ kiện.

Vụ thứ nhất, ông Phi đòi bồi thường số ngày tạm giam, số ngày tại ngoại, bồi thường thu nhập thực tế đã mất, tiền thuê luật sư, thiệt hại do tổn thất sức khỏe, tiền thuốc men. Bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình đã tuyên bồi thường 660 triệu đồng.

Bản án đã thi hành xong.

Sau này, ông Phi tiếp tục khởi kiện, bồi thường thiệt hại do 3 cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Đơn yêu cầu là vào ngày 8/1/2013. Ông Lương Ngọc Phi yêu cầu bồi thường số tiền hơn 54 tỷ đồng. Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 26/8/2013 và tuyên Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình  phải bồi thường 21,4 tỷ đồng và bác các yêu cầu khác.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình có công văn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao thẩm định bản án sơ thẩm để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì căn cứ bồi thường chưa đảm bảo khách quan.

Trước trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình, đại biểu Bùi Văn Xuyền đã có ý kiến trao đổi lại. Theo đại biểu Xuyền, nếu trả lời như Chánh án Trương Hòa Bình thì có lẽ không cần phải trả lời.

Tiếp đó, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị bản án nêu trên do có các sai lầm nghiêm trọng trong định giá tài sản, bồi thường thiệt hại, khi thu giữ tài sản và phát mại có số liệu chưa chính xác và một số vấn đề khác. Kháng nghị được Ủy ban thẩm phán của tỉnh Thái Bình chấp nhận, hủy bản án sơ thẩm và đưa ra xét xử lại.

Tháng 8/2015, Tòa án thành phố Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai và buộc Tòa án tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Phi 23 tỷ đồng. Sau khi bản án được tuyên, ông Phi lại kháng cáo nên việc giải quyết vụ án này phải tiếp tục theo trình tự phúc thẩm.

“Xin đính chính với đại biểu là oan sai từ năm 1999, nhưng quá trình giải quyết bồi thường khi có khởi kiện thì đến năm 2013 mới có, chứ không phải là quá trình bồi thường kéo dài hàng chục năm như đại biểu hỏi”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Đến nay, theo quy định của pháp luật thì vụ án đang được giải quyết theo trình tực phúc thẩm. Biện pháp giải quyết vụ án này thì cách duy nhất là theo trình tự tố tụng.

“Đại biểu hỏi Chánh án có cách gì giải quyết vụ án thì xin trả lời đại biểu là quyền giải quyết vụ án là ở Hội đồng xét xử phúc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao không có quyền can thiệp. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ làm việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Giải quyết nhanh nhưng vẫn phải đúng pháp luật” – Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Có sự đùn đầy trong giải quyết bồi thường

Trước trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình, đại biểu Bùi Văn Xuyền đã có ý kiến trao đổi lại. Theo đại biểu Xuyền, nếu trả lời như Chánh án Trương Hòa Bình thì có lẽ không cần phải trả lời.

Đại biểu Xuyền đã “đính chính” lại lời đính chính của Chánh án cho đúng với diễn biến vụ án. Theo đại biểu, vụ án từ năm 1999 và ông Phi khởi kiện đòi bồi thường từ năm 2004 vào lúc đó ông Phi đã yêu cầu bồi thường cả về hình sự và dân. Nhưng khi đó Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao không thống nhất được cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường. Việc này đã phải đưa ra Quốc hội khóa 10. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội phải ra quyết định Tòa án phải có trách nhiệm bồi thường. Lúc đó, Tòa án mới đứng ra giải quyết bồi thường cho công dân.

“Ở đây có sự đùn đẩy” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

Khi xét xử, Tòa án tách yêu cầu bồi thường làm hai gồm bồi thường dân sự và bồi thường hình sự. Với bồi thường dân sự có từ năm 2004, ông Phi yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng, đến năm 2006, ông Phi yêu cầu bồi thường 35 tỷ đồng, năm 2013 là 54 tỷ đồng và năm 2015 là 64 tỷ đồng.

“Nếu đến năm 2013 mới đòi bồi thường như Chánh án nói thì tôi không phải chất vấn đến lần 2”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.

Sau phiên tòa sơ thẩm lần 2, Tòa án tỉnh kháng cáo. Lúc này nguyên đơn cũng kháng cáo, vì đằng nào vụ án cũng kéo dài cũng bị kéo dài. Đến giờ phút này, nếu Tòa án tỉnh rút đơn thì nguyên đơn cũng rút đơn vì vụ án kéo dài quá sức chịu đựng công dân. Họ không mong muốn kháng cáo để kéo dài tiếp.

Đại biểu Xuyền đề nghị Chánh án Trương Hòa Bình nên kiểm tra xem xét lại, để giải quyết dứt điểm vụ án. Đã thương lượng, đánh giá, định giá hàng chục năm nay, cái gì đúng cái gì không đúng phải ra chứ. Làm sao giằng co mãi. Nhà nước gây thiệt hại cho công dân hàng chục tỷ đồng thì ai chấp nhận được.

Tin bài liên quan