Theo kết quả điều tra, bị cáo Lê Hồ Khôi (sinh năm 1961, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc TAS và Trịnh Văn Toàn (sinh năm 1969), nguyên Phó tổng giám đốc TAS đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập hồ sơ khống của 24 khách hàng mở tài khoản tại TAS, ký hợp đồng hợp tác dưới hình thức ủy thác đầu tư vay tiền, ứng trước tiền bán chứng khoán đã khớp lệnh với các tổ chức tín dụng như EVN-Finance, Habubank (nay là Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Hai Bà Trưng, chiếm đoạt tổng cộng 205 tỷ đồng.
Về nguyên tắc, việc lập khống hồ sơ là trái pháp luật, tuy nhiên, sau khi cơ quan tố tụng trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, cơ quan điều tra xác định, các bị cáo đã sử dụng số tiền hơn 205 tỷ đồng chi trả cho những khoản nợ vay ngân hàng và phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo cáo trạng mới nhất, các bị cáo được chuyển tội danh từ tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội danh “sử dụng trái phép tài sản”. Do đó, Hội đồng xét xử đã làm rõ vấn đề sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng.
Tại tòa, bị cáo Lê Hồ Khôi cho rằng bản thân không có hành vi sử dụng trái phép. Số tiền 205 tỷ đồng nằm trong tài khoản Công ty và được sử dụng chuyển tiền trả nợ, mua bán chứng khoán, thanh toán bù trù với VSD. Đó đều là các hoạt động nghiệp vụ thường xuyên định kỳ. Toàn bộ Ban lãnh đạo Công ty đều biết việc sử dụng nguồn tiền như giám đốc, phó giám đốc, phòng môi giới, kế toán. Số tiền này không được chia cho cá nhân các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1978, nguyên Kế toán trưởng Công ty Chứng khoán Tràng An) cũng nhận thức hành vi sai trái, nhưng khẳng định bản thân không tư lợi.
Bị cáo Trịnh Văn Toàn thừa nhận đã ký hợp đồng vay vốn với HBB, nhưng theo bị cáo, hợp đồng có tài sản thế chấp và đến nay, số tiền chưa trả được xác định còn 8,4 tỷ đồng.
“Trong số tài sản thế chấp, Công ty có thừa khả năng trả nợ, nhưng ban lãnh đạo không thống nhất với nhau. Trạng thái tài khoản của các nhà đầu tư và Công ty biến động từng giờ, từng phút. Có thời điểm giao dịch cao điểm lên đến 30 ngân hàng, tiền nhà đầu tư chảy thẳng vào tài khoản chung Công ty, không biết tiền của ai. Việc này phụ thuộc trách nhiệm của ban kế toán và bộ phận thu hồi vốn. Nhiệm vụ của bị cáo là đảm bảo tiền công ty chứng khoán sử dụng đúng mục đích”, bị cáo Toàn khai nhận.
Bị truy tố với vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Quang Hưng (sinh năm 1980, nhân viên Phòng Kế toán) và Nguyễn Chí Dũng (sinh năm 1982, Phó giám đốc giao dịch) khẳng định không biết dòng tiền được sử dụng ra sao. Cáo trạng truy tố bị cáo Dũng xác nhận khống 12 báo cáo tổng hợp tài khoản chứng khoán.
Bị cáo Dũng cho rằng, trong 12 báo cáo tổng hợp bị cáo ký không có dấu nên không có giá trị pháp lý. Bị cáo có nhiệm vụ tư vấn, nhận lệnh, chăm sóc khách hàng lớn, không liên quan đến đồng vốn. Trong các hồ sơ vay vốn, không cần thiết có báo cáo thẩm định an toàn. Bị cáo có đơn kêu oan và đề nghị xem xét tính liên quan của các chứng cứ trong vụ án.
Sau nửa ngày xét xử, sáng 16/1/2016, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội nhận định cần thiết làm rõ trách nhiệm của bị cáo Lê Quang Hưng và Nguyễn Chí Dũng với tội danh truy tố nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Như vậy, sau 4 năm vụ việc bị phanh phui, việc chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo vẫn chưa có hồi kết.