Trả giá vì chậm phản ứng nợ xấu, bài học từ Nhật Bản

Trả giá vì chậm phản ứng nợ xấu, bài học từ Nhật Bản

(ĐTCK) Do nhận biết chưa đầy đủ về mức độ cũng như phản ứng chậm chạp, Nhật Bản đã mất tới 15 năm để xử lý “khối u” nợ xấu trong nền kinh tế.

Việt Nam đang có một số đặc điểm tương đồng ở giai đoạn phát sinh nợ xấu như Nhật Bản và kinh nghiệm từ nước Nhật sẽ mang lại nhiều bài học quý.

Trả giá vì chậm phản ứng nợ xấu, bài học từ Nhật Bản ảnh 1


Nhật Bản đã mất tới 109.600 tỷ yên trong 15 năm để xử lý nợ xấu trong nền kinh tế

Hệ thống tài chính Nhật Bản bắt đầu đối mặt với vấn đề nợ xấu nghiêm trọng kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau thời điểm TTCK tăng đến đỉnh vào 12/1989 và cao điểm của giá đất vào 9/1991 thì đến tháng 8/1992, giá cổ phiếu, giá đất giảm mạnh thể hiện rõ sự đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng, kéo theo sự phá sản của hàng loạt công ty chuyên về tín dụng nhà ở, các quỹ tín dụng và các ngân hàng, CTCK… Tổng dư nợ tồn đọng trong nền kinh tế, từ dưới 200.000 tỷ yên đầu những năm 80, đã tăng vọt thêm hơn 300.000 tỷ yên lên tới trên 500.000 tỷ yên vào giữa thập kỷ 90, vượt cả GDP danh nghĩa. Những tổn thất phát sinh do xử lý nợ xấu (đối tượng gồm tất cả các ngân hàng trên toàn quốc) trong khoảng thời gian 15 năm kể từ thời điểm sụp đổ của nền kinh tế bong bóng năm 1992 cho đến tháng 3/2007 là 109.600 tỷ yên.

Có hai lý do chính dẫn đến việc nợ xấu không được giải quyết nhanh chóng. Một là sự xuất hiện liên tục của nợ xấu mới do khủng hoảng kinh tế vĩ mô bởi giảm phát gây ra… Hai là, do việc cho vay không phù hợp của các ngân hàng trong những năm kinh tế bong bóng, nợ xấu, đặc biệt nợ xấu của những ngành phi sản xuất, tăng lên đáng kể. Mặc dù có đôi chút cải thiện trong chu kỳ kinh doanh kể từ những năm 90, sau giai đoạn đó, Nhật Bản lại phải tiếp tục đối mặt với suy thoái kinh tế dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân do các ngân hàng chỉ tập trung xử lý nợ xấu trong phạm vi khả năng tài chính của mình nên nợ xấu chưa được xử lý một cách triệt để, dẫn đến vốn chủ sở hữu bị tổn thất do phải xử lý nợ xấu qua nhiều năm. Vì lý do này, công tác xử lý nợ xấu tiếp tục bị trì hoãn trong khi vấn đề nợ xấu ngày càng đan xen phức tạp với những vấn đề của nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Vào thời điểm 2003, Nhật Bản đã thực thi chính sách kinh tế khẩn cấp, trong đó hoàn thiện chức năng của Công ty thu hồi xử lý nợ (RCC), thành lập Cơ quan tái thiết công nghiệp (IRCJ) và thúc đẩy hình thành các quỹ tái thiết DN tư nhân... để tăng cường xử lý nợ thông qua hoạt động mua bán nợ. RCC, IRCJ và các quỹ tái thiết tư nhân đã rất tích cực trong việc mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng và kết quả là số nợ xấu đã giảm một cách nhanh chóng, từ cuối tháng 3/2002 là 43.200 tỷ yên đã giảm xuống 25.300 tỷ yên vào cuối tháng 3/2005 và xuống còn khoảng 12.000 tỷ yên vào cuối tháng 3/2007.

RCC là công ty trực thuộc Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản, chủ yếu tập trung thu hồi các khoản nợ xấu mua của 173 định chế tài chính phá sản, thu hồi các khoản nợ xấu được giao từ 7 công ty cho vay mua nhà trước đó và mua, xử lý nợ xấu từ các ngân hàng lành mạnh. Giá trị nợ xấu đã xử lý gồm 4.656 tỷ yên các khoản nợ được chuyển giao từ các công ty cho vay mua nhà, 5.113 tỷ yên mua từ 173 định chế tài chính và 331,5 tỷ yên nợ mua từ các định chế tài chính lành mạnh. Thông qua xử lý nợ xấu, RCC đã giúp tái thiết được 676 trường hợp. RCC sau khi mua nợ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ như (i) bán tài sản đảm bảo nợ; (ii) thu nợ từ khách nợ bao gồm thu nợ bằng tiền và thu nợ bằng tài sản, đối với thu nợ bằng tài sản RCC không kinh doanh trên tài sản đó mà sẽ đầu tư làm tăng giá trị tài sản rồi bán nhằm gia tăng giá trị thu hồi, đồng thời RCC áp dụng hình thức thu nợ có chiết khấu (căn cứ vào tính hợp lý về kinh tế và khả năng chi trả của người đi vay để xác định mức chiết khấu) nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ; (iii) bán nợ. Tuy nhiên, việc bán nợ không được áp dụng nhiều, mà chủ yếu do RCC tự xử lý nhằm bảo vệ các khách nợ yếu thế, tránh trường hợp người mua nợ áp dụng các biện pháp khắt khe, gây khó khăn cho khách nợ.

Tháng 4/2003, Thượng viện Nhật Bản thông qua luật về cơ quan tái thiết công nghiệp và tháng 5/2003, Cơ quan tái thiết công nghiệp (IRCJ) bắt đầu hoạt động. IRCJ được thành lập theo hình thức CTCP do Bảo hiểm tiền gửi nắm giữ 50% tổng số cổ phần phát hành, còn lại do các tổ chức tín dụng tư nhân tự nguyện góp vốn. Mục đích hoạt động của IRCJ nhằm hỗ trợ tái sinh các hoạt động của các DN đang có những khoản nợ lớn, hoạt động không hiệu quả thông qua việc mua lại các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. IRCJ đã thực hiện mua nợ từ các tổ chức tín dụng gắn với tái thiết 41 DN, giá trị nợ xấu đã mua khoảng 4.000 tỷ yên. IRCJ không thực hiện bán nợ như RCC mà tái thiết DN gắn với xử lý nợ thông qua các biện pháp như thực hiện hoán đổi vốn - nợ, xóa nợ cho DN, tái thiết hoạt động, cử người trực tiếp quản lý điều hành DN. Sau khi DN hoạt động ổn định, IRCJ sẽ thực hiện thoái vốn (trong thời hạn 3 năm).

Kể từ khi IRCJ được thành lập, hoạt động của khu vực tư nhân đã trở nên sôi động hơn, số quỹ tái thiết kinh doanh đã tăng lên và có nhiều tiến bộ trong giải quyết vấn đề nợ xấu. Tái thiết kinh doanh vi mô là một phương tiện mạnh mẽ để khơi thông nguồn nhân lực, tài chính và nguồn lực quản lý DN khác không còn được sử dụng hiệu quả và để tối ưu hóa phân phối nguồn lực kinh tế vĩ mô. Bằng cách theo đuổi cơ hội tái thiết từng DN ở cấp vi mô và tạo ra môi trường cạnh tranh, IRCJ đã có đóng góp lớn trong việc tiếp thêm sinh lực cho hệ thống tài chính và công nghiệp Nhật Bản nói chung.

Có thể khẳng định, hoạt động của RCC và IRCJ không chỉ góp phần giải quyết một lượng lớn nợ xấu của nền kinh tế mà đã giúp tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán công ty (M&A) trong giai đoạn 2004 - 2006. Đồng thời, việc đẩy mạnh hoạt động của RCC, IRCJ đã tạo ra sự sôi động trong thị trường mua bán nợ xấu, kích thích sự thành lập các quỹ tái thiết tư nhân và đã góp phần xử lý nhanh nợ xấu của nền kinh tế.

Nếu so với Nhật Bản thì hiện nay Việt Nam mới đang ở giai đoạn phát sinh nợ xấu, thị trường mua bán nợ xấu chưa phát triển. Việc xử lý nợ thông qua tái thiết DN hiện mới chỉ có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) triển khai trong vài năm gần đây. Trong phần 2 của bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn đến hoạt động của IRCJ trong việc hỗ trợ các DN thua lỗ của Nhật Bản hồi phục. Đây cũng có thể là hướng đi mang tính chất cơ bản, dài hạn cho Việt Nam trong vấn đề xử lý nợ xấu.


Bài 2: Đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua tái thiết DN