Ba năm gần đây, ACB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ba năm gần đây, ACB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu: Mũi tên trúng 2 đích của các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với giá cổ phiếu tăng mạnh, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu không chỉ làm vui lòng các cổ đông, mà còn giúp các nhà băng tăng vốn điều lệ để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, tiến tới Basel III.

Lợi cả đôi đường

Trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm nay, điều đáng chú ý là các nhà băng đều trình cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trong đó, không ít nhà băng chia cổ tức ở mức “khủng” và đều được các cổ đông thông qua, không đòi hỏi chia cổ tức bằng tiền như nhiều năm trước.

Lý do là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay với mức tăng ở nhiều mã trên dưới 50%, thậm chí có tăng gần 100% như NVB. Trong khi đó, với các ngân hàng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp nhà bằng dễ dàng tăng vốn để tăng năng lực tài chính.

Ngoài ra, khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên các tổ chức tín dụng phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, kể cả chính sách cổ tức chi trả cho cổ đông.

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt là một giải pháp giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đó là lý do các ngân hàng đồng loạt thực hiện chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cụ thể, tại ĐHCĐ tổ chức cuối tháng 3, MSB trình cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30%, trong khi với VIB là 40%.

ĐHCĐ của ACB tổ chức ngày 6/4 cũng đã thông qua trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25% để tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng. Hay ĐHCĐ của OCB tổ chức cuối tháng 4 vừa qua cũng đã thông qua phương án chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu. Thậm chí, HDBank sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng lên tới 65% trong năm 2020, năm nay tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu 25%.

Trong 3 năm gần đây, ACB và OCB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thay vì chia tiền mặt như trước đây. Theo ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB, để nâng cao năng lực tài chính, Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Trước đó, ĐHCĐ thường niên 2021 tổ chức ngày 12/3, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thêm 8.304 tỷ đồng, lên 48.524 tỷ đồng. Trong đó, phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2021. Số còn lại phát hành bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

Tại SHB, Ngân hàng sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 20,5% (10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020). Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng.

Theo đại diện SHB, việc tăng vốn điều lệ trên nằm trong lộ trình phát triển của Ngân hàng nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III.

Theo thông tin của Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã chấp thuận cho VietBank tăng vốn điều lệ thêm hơn 586,62 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2017 - 2019 (trả cổ tức). Vốn điều lệ mới của VietBank sẽ đạt trên 4.776 tỷ đồng sau khi hoàn tất kế hoạch trên.

Theo lãnh đạo VietBank, việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt khi VietBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II. Tăng vốn cũng giúp VietBank gia tăng nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để Ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở các năm tiếp theo.

Áp lực sử dụng vốn

Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số CAR theo quy chuẩn quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II mà Ngân hàng Nước quy định.

Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn, hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế.

Tuy nhiên, việc tăng vốn không phải đơn giản với nhiều ngân hàng, đặc biệt với các ngân hàng thương mại nhà nước do vướng quy định về sử dụng vốn nhà nước, trong khi việc tìm cổ đông chiến lược không dễ. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng thương mại nhà nước giải được bài toán tăng vốn.

Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng gối đệm thanh khoản, giúp ứng phó tốt hơn với rủi ro trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng đồng vốn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay cũng là áp lực không nhỏ đối với các nhà băng.

Theo quy định của Nghị định 121, nhóm ngân hàng được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn nhà nước, áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Quy định này là cơ sở pháp lý để VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, rủi ro từ dịch bệnh gia tăng càng khiến việc tăng vốn không thể lùi, bởi việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng gối đệm thanh khoản, giúp ứng phó tốt hơn với rủi ro trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, để sử dụng đồng vốn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay cũng là áp lực không nhỏ đối với các nhà băng, nhất là trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng.

HĐQT SCB cho biết, với nguồn vốn tăng thêm 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu năm nay, Ngân hàng sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, công nghệ, đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh.

Còn Viet Capital Bank cho biết, sẽ dùng 200 tỷ đồng từ vốn tăng thêm (khoảng 1.000 tỷ đồng) đầu tư tài sản cố định phục vụ cho việc mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động, hiện đại hóa công nghệ..., 500 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay dài hạn, phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động.

Với ACB, lãnh đạo nhà băng này cho biết, vốn điều lệ tăng thêm từ chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu (dự kiến hoàn thành trong quý III/2021), sẽ được sử dụng nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của Ngân hàng.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng nâng cấp hệ thống mạng lưới, tăng lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng số theo xu hướng 4.0, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Trong khi đó, ngoài chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tăng vốn (tương đương tỷ lệ 65% trong năm 2020), HDBank còn phát hành 160 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Theo HDBank, hai định chế tài chính lớn và uy tín khu vực châu Á đã đăng ký toàn bộ 1.300 trái phiếu quốc tế trong đợt phát hành mới của Ngân hàng. Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá là 130 triệu USD. Trước đó, quỹ DEG - định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức đã đầu tư 30 triệu USD mua trái phiếu của HDBank.

Theo lãnh đạo HDBank, việc tăng vốn sẽ giúp Ngân hàng nâng cao hơn nữa nguồn lực tài chính, sẵn sàng thực thi các kế hoạch tăng trưởng cao theo chiến lược đề ra.

Tin bài liên quan