TPS: VN-Index có thể chinh phục 1.300 điểm một lần nữa khi Fed hạ lãi suất

TPS: VN-Index có thể chinh phục 1.300 điểm một lần nữa khi Fed hạ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin Fed có thể hạ lãi suất trong tháng 9 sẽ tạo tâm lý tích cực cho chỉ số có thể chinh phục được vùng 1.300 điểm một lần nữa và hướng đến những vùng chỉ số cao hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhịp điều chỉnh có thể xảy ra.

Theo đánh giá của TPS, tính tới ngày 26/08/2024, chỉ số USD Index (DXY) đã giảm 1,4% từ đầu năm, đây cũng là mức giảm cao nhất kể từ đầu năm. Nguyên nhân chỉ số này giảm là do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới được thúc đẩy bởi các yếu tố: PMI của Hoa Kỳ tháng 8/2024 ghi nhận ở mức 49,5 điểm - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024; tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,3% - tăng lên 0,2% so với tháng trước đó; tỷ lệ lạm phát tháng 07/2024 ở mức 2,9% thấp hơn 3,0% vào tháng 06/2024.

Sau phát biểu của đại diện Fed ngày 23/08/2024, các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn vào quyết định cắt giảm lãi suất của tổ chức này trong những kỳ họp sắp tới. Điều này đã tác động rất tích cực tới tỷ giá của Việt Nam trong những ngày gần đây.

Tỷ giá ngân hàng thương mại đã giảm từ mức cao nhất trong năm 2024, ở mức 25.488 (vào ngày 23/04/2024) về mức 25.000 (vào ngày 27/08/2024), tương ứng với mức giảm 1,9%.

Tỷ giá hạ nhiệt đã tạo thuận lợi hơn cho các nhà điều hành tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Cụ thể, lãi suất tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đã giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,25% kể từ ngày 08/05/2024, giảm tiếp xuống còn 4,20% kể từ ngày 20/08/2024, và giảm xuống còn 4,15% kể từ ngày 23/08/2024.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới có thể sẽ kìm hãm tốc độ giảm của tỷ giá.

TPS đánh giá, tỷ giá hạ nhiệt đã tác động tích cực tới thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Cụ thể, VN-Index đã tăng từ 1.188 điểm lên ngưỡng 1.280 điểm, tương ứng tăng 7,74% trong giai đoạn từ ngày 05/08 đến 26/08. Dưới góc độ vĩ mô, thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi tích cực, được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính.

Thứ nhất, tỷ giá hạ nhiệt giúp chi phí nhập khẩu giảm xuống sẽ tác động tích cực tới nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua đó tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Thứ hai, xuất khẩu tăng tốc tạo thu nhập ổn định cho người lao động, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng, qua đó tác động tới thị trường chứng khoán.

Thứ ba, tỷ giá hạ nhiệt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành thúc đẩy chính sách đầu tư công và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, cũng có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Từ kết quả khảo sát của công cụ Fedwatch (CME group) cho thấy, tính tới ngày 26/08/2024, có khoảng 39% thị trường dự đoán trong kỳ họp vào ngày 18/09/2024 tới, Fed sẽ đưa mức lãi suất hiện tại là 5,25 – 5,50% xuống còn 4,75 – 5,0% và khoảng 61% thị trường cho rằng Fed sẽ đưa lãi suất về mức 5,0 – 5,25%.

TPS kỳ vọng, Fed sẽ giảm lãi suất kể từ sau tháng 9, được thúc đẩy bởi các yếu tố chỉ số PMI Mỹ dưới ngưỡng 50, lạm phát nước này duy trì xu hướng giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tiêu thụ của thị trường Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, xét trên đồ thị ngày, hiện tại, thị trường đang tiệm cận ngưỡng 1.290 – 1.300 điểm và có những nhịp kiểm định vùng kháng cự này. Với thông tin Fed có thể hạ lãi suất trong tháng 9 sẽ tạo tâm lý tích cực cho chỉ số có thể chinh phục được vùng 1.300 điểm một lần nữa và hướng đến những vùng chỉ số cao hơn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sau một nhịp tăng khá dài thì các nhịp điều chỉnh là điều có thể xảy ra. Vùng nhóm phân tích kỳ vọng thị trường điều chỉnh nằm ở 2 ngưỡng là 1.250 và 1.220 điểm. Nhịp điều chỉnh (nếu có) này mang ý nghĩa một nhịp nghỉ tạo đà cho thị trường khi có những thông tin tích cực và cũng mở ra vùng mua cho nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tin bài liên quan