TPS chuyển sàn niêm yết và mục tiêu vào Top công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam

TPS chuyển sàn niêm yết và mục tiêu vào Top công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thành công sau 2 năm tái cơ cấu, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - mã chứng khoán ORS) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các mảng hoạt động.

Mới đây, TPS đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng và hoàn tất kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE. Trong tháng 8, HOSE đã có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của TPS.

Có thể thấy, TPS đã có bước ngoặt thay đổi diện mạo từ khi gia nhập hệ sinh thái của TPBank vào tháng 4/2019, thông qua việc TPBank trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 9,1% vốn điều lệ. Với sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ hệ sinh thái TPBank, TPS đã liên tục tăng vốn thành công từ mức 240 tỷ đồng, lên 2.000 tỷ đồng như hiện nay, tương ứng tăng hơn 7,3 lần.

Với vị thế mới về quy mô vốn, TPS đã mở rộng hoạt động kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, qua đó đa dạng nguồn thu. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh thanh khoản tăng vọt từ tháng 4/2020 nhờ sự bùng nổ của nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0), kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, như cho vay ký quỹ (margin) tăng theo nhanh chóng, mở ra cơ hội kinh doanh thuận lợi cho ngành chứng khoán nói chung và TPS nói riêng.

Quý II/2021, doanh thu hoạt động TPS đạt 285,7 tỷ đồng, tăng 4,43 lần, trong khi lợi nhuận ròng đạt 53,74 tỷ đồng, tăng 4,92 lần so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả tăng trưởng ấn tượng đến từ các mảng Ngân hàng đầu tư (IB), Môi giới và cho vay margin, đặc biệt đến từ hoạt động tư vấn trái phiếu doanh nghiệp - là mảng kinh doanh chiến lược mà TPS đặt mục tiêu xuyên suốt từ thời điểm tái cấu trúc đến nay. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) 4 quý gần nhất đạt 22,27%.

Với lợi thế là thành viên của hệ sinh thái TPBank, TPS được tạo điều kiện hợp tác để cung cấp ra thị trường những dịch vụ công nghệ mang tính ứng dụng cao; có lợi thế về nguồn lực khách hàng, đồng thời tập trung mạnh vào lĩnh vực IB. Đây là thế mạnh mà không phải công ty chứng khoán nào cũng có được.

Theo bảng xếp hạng thị phần môi giới trái phiếu trên HOSE, TPS có sự thăng hạng ấn tượng, vươn lên đạt vị trí Top 2 trong quý 2/2021, với con số thị phần là 26,15%, trong khi quý I/2021 chỉ khoảng 3,91% - đứng vị trí thứ 6.

Song song với mảng trái phiếu, các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích liên quan đến giao dịch cổ phiếu của khách hàng cũng được đẩy mạnh. Minh chứng rõ nhất là dư nợ cho vay margin tăng từ mức 23 tỷ đồng hồi đầu năm 2021, lên 139 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2021, và tăng vọt lên hơn 691 tỷ đồng cuối quý II, đến thời điểm hiện tại trên 1.000 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu tại TPS cũng tăng từ 6.100 tỷ đồng cho quý I/2021 lên 19.976 tỷ đồng trong quý II/2021.

Đà tăng trưởng ở mảng môi giới và cho vay margin dự báo sẽ tiếp tục trong các quý tới, khi mà mới đây, TPS đã thực hiện xong việc tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, từ đó nâng tổng vốn chủ sở hữu lên trên 2.100 tỷ đồng, tương ứng TPS có khả năng đẩy mạnh cho vay margin tầm 4.200 tỷ đồng.

Tại TPS, ngay khi thực hiện tái cơ cấu đã tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu, triển khai các sản phẩm mới có tính ưu việt, đa dạng, cải tiến và bổ sung các chức năng và tiện ích của hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm giao dịch trực tuyến giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi một cách tiện lợi và hiệu quả.

Điển hình là việc hợp tác với Finbase trong việc tăng cường số hóa hệ thống thông tin để quản lý tài sản và giao dịch trái phiếu; ra mắt ứng dụng TPS Mobile - Ứng dụng giao dịch chứng khoán trực tuyến trên thiết bị di động với nhiều tiện ích hiện đại, như chuyển nhận tiền Topup từ ứng dụng chuyển tiền của TPBank vào tài khoản chứng khoán và ngược lại; sắp tới TPS đưa vào triển khai công nghệ eKYC - nhận dạng khách hàng, mở tài khoản trực tuyến hướng tới gia tăng trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và hỗ trợ giao dịch đầu tư hiệu quả với nhiều tiện ích và tính năng nổi bật.

Nhìn chung, có thể thấy với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận của TPS trong giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục tiếp diễn trong các quý sắp tới.

Theo lãnh đạo TPS, Công ty đặt mục tiêu lọt vào Top 10 về vốn điều lệ trong năm 2022, Top 10 về thị phần môi giới đồng thời cũng phải song hành với hiệu quả hoạt động, nằm trong Top 10 về lợi nhuận.

Tin bài liên quan