Là vị đại diện thứ hai phát biểu trong phiên Tổng quan về môi trường đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng nay, bà Sherry Borger, Chủ tịch Amcham tại Việt Nam đã đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như trong thành công trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, theo bà này, TPP vẫn đang là lời hứa, chưa là một thực tế.
“Mỗi quốc gia TPP có quy trình thủ tục riêng để đạt được phê chuẩn, pháp luật thực thi và thủ tục hành chính, điều này cũng là một khó khăn”, bà Sherry Borger nói.
Mặc dù vậy, bà Sherry Borger cho rằng, TPP chính là “khung hành động và là trọng tâm trong năm 2016”.
Dẫn đánh giá của các chuyên gia rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng đến 28,4% khi thực thi TPP, bà Borger khẳng định, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ TPP với các điều khoản liên quan.
“Xuất khẩu dự kiến ‘cơ sở’ trong năm 2025 không có TPP là 239 tỷ USD có thể tăng đến 307 tỷ USD. Hơn nữa, lợi ích tăng trưởng GDP dự kiến là khá lớn. GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể là 10,5% cao hơn dự đoán cơ sở”, bà Borger nói.
Theo kỳ vọng của các quốc gia thành viên thì TPP có thể được ký kết vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, theo bà Borger, Việt Nam cần phải chuẩn bị các phương án để nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các cam kết trong TPP.
Chẳng hạn, với cam kết trong Chương 25 liên quan đến tính minh bạch và tham vấn cộng đồng, bà Borger cho rằng, các cơ quan trung ương và địa phương phải nâng cao cạnh tranh và đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục trong cung cấp dịch vụ công sao cho hợp lý, hiệu quả để giúp chuẩn bị quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Liên quan đến vấn đề giáo dục (TPP Chương 23), bà Borger khuyến nghị, giáo dục cho sinh viên tốt nghiệp có khả năng sẵn sàng làm việc là điều cần thiết, nếu Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp có thu nhập trung bình vào năm 2020.
Trong khi đó, liên quan đến một nội dung quan trọng về chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới, bà Borger cho rằng, Việt Nam tuy đã và đang rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và được hưởng lợi do tăng trưởng xuất khẩu hiệu quả từ các nhà máy ĐTNN, nhưng số lượng các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ thành công này còn rất hạn chế.
Điều quan trọng là, 2/3 xuất khẩu của Việt Nam từ các nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và sự đóng góp chủ yếu của Việt Nam trong dây chuyền sản xuất đầu tư trực tiếp nước ngoài trong chuỗi cung ứng toàn cầu là lao động tay nghề thấp. Chi phí vật tư và phụ tùng, linh kiện nhập khẩu dự kiến chiếm khoảng 90% giá trị hàng hóa sản xuất cho xuất khẩu của Việt Nam…