Xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada đều có động cơ lớn nên thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng mạnh
Thuế nhập khẩu vẫn ngất ngưởng
Cuộc họp mới đây của bộ trưởng thương mại các nước tham gia TPP đã đạt được tiến bộ về tỷ lệ xuất xứ nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan. Các thông tin bên lề TPP cho thấy, Mexico và Canada muốn ô tô được miễn thuế trong TPP phải có ít nhất 45% linh kiện xuất phát từ các nước trong khối, trong khi Nhật Bản muốn tỷ lệ này chỉ ở mức 32,5%.
Trước đó, tại kỳ họp hồi tháng 8 của các nhà đàm phán TPP, Hoa Kỳ mong muốn tỷ lệ này phải là 55%, còn Mexico và Canada mong muốn 62,5% như quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trong khi đó Nhật Bản muốn ở mức 40% hoặc thấp hơn.
Một số thông tin chưa chính thức cũng cho thấy, lộ trình để Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu với xe ô tô dung tích 3.0L trở lên nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP sẽ là 10 năm. Ở các nước thành viên TPP khác như Canada, Hoa Kỳ hay Nhật Bản, lộ trình này có thể ngắn hơn, dù chưa có số liệu chính thức.
Với Việt Nam, nếu lộ trình dỡ bỏ thuế nhập khẩu cho ô tô nguyên chiếc được thoả thuận ở mức 10 năm thì cơ hội mua xe giá rẻ từ các nước Hoa Kỳ, Canada hay Nhật Bản vẫn rất xa vời.
Hiện tại, 12 nước thành viên tham gia TPP gồm có New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản.
Trong số này có các nước đến từ khu vực ASEAN là Việt Nam, Bruinei, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, Singapore và Brunei không có nền công nghiệp ô tô phát triển, còn Việt Nam và Malaysia không phải là các trung tâm sản xuất ô tô trong khu vực ASEAN. Hơn nữa, lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN đã về 0% vào năm 2018 chứ không cần chờ tới khi có TPP.
Với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada hay Mexico - những trung tâm sản xuất ô tô lớn của thế giới hiện nay, Việt Nam không có các cam kết giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nào ngoài các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo cam kết của Việt Nam trong WTO, xe có dung tích từ 2.5L sẽ giảm thuế xuống 52% vào năm 2019, xe hai cầu giảm thuế xuống 47% vào năm 2017 và các xe ô tô khác giảm thuế về 70% vào năm 2014. Sau các thời hạn này, Việt Nam không có cam kết giảm thuế quan với ô tô nguyên chiếc.
Như vậy, nếu TPP được thông qua, lộ trình để giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada hay Mexico không có cơ hội sớm về 0% trong 10 năm nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc giá xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ TPP không có lợi thế thuế nhập khẩu thấp khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Nâng mạnh thuế TTĐB với xe to
Trong khi không hy vọng với thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ TPP về 0% sớm, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô nguyên chiếc cũng đang rập rình tăng lên với các dòng xe có dung tích cao, càng khiến cơ hội mua xe ô tô theo TPP khó khăn.
Hiện tại, nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada về Việt Nam là những dòng xe sang của các nhãn hiệu như Cadillac, Lexus hay các dòng xe cao cấp của Toyota, đa phần đều có dung tích trên 2.5L.
Theo dự thảo thuế TTĐB mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến, thuế suất với các dòng xe có dung tích trên 2.0L trở lên sẽ tăng so với hiện tại.
Ủng hộ quan điểm tăng mạnh thuế TTĐB với các xe có dung tích động cơ lớn, trong góp ý của mình, Bộ Công thương thậm chí đề nghị tăng rất cao mức thuế suất thuế TTĐB với ô tô trên 3.0L từ ngày 1/7/2016 và không thay đổi trong giai đoạn ngắn.
Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Công thương, xe có dung tích động cơ trên 2.0L đến 3.0L có thuế TTĐB mới là 70% thay cho mức 50% trước đây; xe có dung tích động cơ trên 3.0L đến 4.0L có thuế suất mới là 90%- tăng gấp rưỡi mức 60% hiện tại; xe trên 4.0L đến 5.0L có thuế suất 110% - gần gấp đôi so với mức thuế 60% hiện tại và xe có dung tích xy lanh trên 6.0L có thuế TTĐB là 150% - gấp 2,5 lần mức thuế suất hiện tại.
Nếu biểu thuế TTĐB này được thông qua, cơ hội để mua xe phân khối lớn với giá rẻ không nằm trong tầm tay của người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng điều này cũng đúng với định hướng không khuyến khích dùng xe dung tích lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu đang được các bộ, ngành hướng tới.