Mặc dù, TPP có thể cần tới 2 năm để được phê chuẩn tại tất cả các quốc gia thành viên và tiến tới có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, Việt Nam có thể bỏ lỡ thời cơ hội nhập nếu chậm chuẩn bị và đánh mất lợi thế.
Sau sự kiện hoàn tất đàm phán TPP vào tháng 10/2015, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế nhận định, Việt Nam sẽ là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này. Dự đoán đến năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 11%, xuất khẩu có thể mở rộng 28%. Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản có thể tăng mạnh trong vòng 10 năm tới. Với những dự báo khả quan cho nền kinh tế Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là liệu triển vọng trên có thành hiện thực?
Tại Diễn đàn chính sách thương mại “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức cho DN nhỏ và vừa Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, câu chuyện về triển vọng hội nhập của Việt Nam với TPP tiếp tục được mổ xẻ.
"Hội nhập gói gọn trong 3 chữ “CH” là chất lượng, chuẩn mực và chuỗi. Chất lượng con người, chất lượng quản trị tạo nên chất lượng sản phẩm. Về chuẩn mực, doanh nghiệp phải đáp ứng những chuẩn mực về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn môi trường, hàng rào kỹ thuật… Còn chuỗi là cách mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cần kết hợp cùng nhau để tồn tại và phát triển" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, TPP hiện nay không chỉ là cơ hội mà là “một vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ”.
“Giả định trong 5,7 năm tới, các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia… có thể tham gia vào TPP, trong khi EU ký kết hiệp định thương mại tự do với ASEAN, khi đó lợi thế của Việt Nam sẽ không còn, vì vậy cơ hội chỉ đến trong thời gian ngắn tới”, TS Thành nhận định.
Cũng theo ông Thành, Việt Nam cần phải có sự tự tin khi tham gia hội nhập và rút kinh nghiệm từ quá khứ để không đánh mất đi cơ hội. Năm 2000, Việt Nam từng lo lắng và trăn trở với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) dẫn tới trì hoãn 1 năm trước khi ký kết, nhưng kết quả đạt được đã chứng minh nhiều điều, chỉ sau 14 năm, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ tăng 30 lần từ 1 tỷ USD lên 30 tỷ USD.
Ý nghĩa đầu tiên của TPP là mở ra cơ hội rộng lớn cho DN trong việc tiếp cận thị trường, đánh giá rủi ro để lựa chọn đối tác phù hợp. Đây cũng là thời cơ để DN nội địa học hỏi công nghệ, thành tựu của các quốc gia phát triển.
TPP thúc đẩy sự bùng nổ của những ngành có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Đơn cử như ngành dệt may, đến năm 2020, với đánh giá khiêm tốn nhất, xuất khẩu dệt may cũng có thể đạt 45 tỷ USD, tăng mạnh so với con số hiện tại là 27 tỷ USD. Cơ hội cuối cùng và lớn nhất của TPP là cơ hội để cải cách thể chế, tạo ra môi trường phát triển tốt nhất cho DN.
Với TPP, ngoài các ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan như dệt may, da giày, thủy sản…, việc tham gia Hiệp định này sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực logistics, bán lẻ, các dịch vụ giải trí, du lịch, công nghiệp hỗ trợ, ngành sản phẩm dịch vụ thông minh, sản phẩm, dịch vụ xanh…
Nói về những thách thức khi tham gia TPP, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam có cơ hội tận dụng ưu thế hội nhập tốt nhất trong 2 đến 3 năm tới. Tham gia TPP, triển vọng và cơ hội nhiều, nhưng không dễ nắm bắt và luôn đi cùng với thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, dù có tốc độ tăng trưởng cao nhưng xuất phát thấp dẫn tới khoảng cách thu nhập rất lớn. Điều này dẫn tới, DN trong nước chịu thiệt thòi khi DN FDI với tiềm năng mạnh chiếm lợi thế hơn về cạnh tranh xuất khẩu. Chưa kể, Việt Nam có thể mất thời cơ do chậm chuẩn bị, trong khi các nước khác có thể đẩy nhanh quá trình tham gia TPP và ký hiệp định thương mại tự do với EU.