TPP giúp thúc đẩy song không thay đổi mô hình thương mại châu Á

TPP giúp thúc đẩy song không thay đổi mô hình thương mại châu Á

(ĐTCK) Vòng đàm phán cấp bộ trưởng về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra từ ngày 28 - 31/7, nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ, sẽ là cơ hội cuối cùng để 12 quốc gia tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận hoàn tất TPP trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích khu vực đang “để mắt” tới những lợi ích của TPP đối với châu Á, một khi hiệp định này được hoàn tất, song họ cho rằng, mô hình thương mại của châu Á sẽ không có nhiều thay đổi.

Mặc dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế đang nổi, trong đó có châu Á, song khu vực này vẫn là động lực tăng trưởng chủ chốt của thế giới. Nguyên nhân chủ yếu khiến IMF hạ dự báo là do sự sụt giảm tăng trưởng sản xuất, vốn có mối liên hệ mật thiết với sự tụt dốc trong tăng trưởng xuất khẩu.

Trong vòng 25 năm tính cho tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008, thương mại thế giới tăng trưởng với tốc độ gấp đôi so với tốc độ của giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Riêng với các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là tại châu Á, điều này dẫn đến sự gia tăng lớn của thị phần xuất khẩu trong GDP, với mức dao động từ 20 - 40%.

Nhiều nền kinh tế châu Á thúc đẩy hoạt động thương mại với Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu chiếm từ 10 - 12% như tại Indonesia và Malaysia, cho tới 18-25% tại Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Những năm gần đây, thương mại thế giới chỉ tăng trưởng ngang hoặc thấp hơn so với tăng trưởng GDP toàn cầu. Đáng chú ý, tăng trưởng xuất nhập khẩu tại châu Á (không tính Nhật Bản) thậm chí có xu hướng chững lại.

Một số quốc gia đã nỗ lực “đứng lên” từ sự suy giảm của thương mại thế giới. Việt Nam, Campuchia và Bangladesh là những quốc gia đang thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nhanh hơn so với các nền kinh tế đang phát triển khác tại châu Á, thông qua việc hướng tới xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu giá trị thấp mà Trung Quốc đang tìm cách từ bỏ.

Lý do của sự tụt dốc thương mại thế giới xuất phát từ hai điểm: thứ nhất là sự thay đổi đáng kể trong mô hình thương mại và thứ hai là diện mạo kinh tế vĩ mô yếu kém kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Cả hai điều này dường như chưa thể cải thiện sớm.

Trên khía cạnh kinh tế vĩ mô, sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ tại phương Tây cũng là nhân tố kéo tụt thương mại thế giới. Bên cạnh đó là sự phục hồi thấp hơn dự đoán của kinh tế Mỹ, mô hình tăng trưởng bất ổn của Nhật Bản và cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đang tiếp diễn.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ước tính rằng, hàng trăm công ty công nghiệp lớn đã bổ sung trên 50.000 tỷ USD vào các khoản nợ chưa trả kể từ năm 2007. Nhiều ngân hàng thu hẹp hoạt động kể từ năm 2007, một phần vì sức ép của các quy định tài chính mới. Một số nguồn gốc khác của sự suy yếu kinh tế bao gồm sự đình trệ trong tăng lương cho người lao động, cho dù điều này có thể đang bắt đầu thay đổi tại Mỹ và Nhật Bản, cùng với những tác động liên hoàn từ vấn đề già hóa dân số nhanh.

Tình trạng nợ cao không còn là điều diễn ra tại riêng các nền kinh tế phương Tây, khi nó đã lan sang châu Á. Tỷ lệ nợ phi tài chính/GDP (nợ phi tài chính là nợ của các hộ gia đình, cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực tài chính) của Trung Quốc đã tăng từ mức 120% năm 2007 - 2008  lên khoảng 220%, trong khi tỷ lệ này tại các quốc gia đang phát triển khác tại châu Á, cũng tăng từ mức trung bình 100% lên trên 130%.

Điều này đã hạ thấp khả năng của khu vực trong việc bù đắp những thiệt hại từ xuất khẩu suy yếu và đẩy các quốc gia đang phát triển châu Á vào tình thế dễ tổn thương hơn trước những rủi ro khi Mỹ tăng lãi suất và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh TPP, các cuộc đàm phán riêng rẽ cũng đang được tiếp tục giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN về một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mỗi thỏa thuận này dự kiến sẽ tạo ra nguồn thu 300 tỷ USD/năm cho khu vực một khi đi vào hoạt động đầy đủ.

Đây có thể là tin kinh tế tốt lành để giải tỏa những vấn đề thương mại tại châu Á, song những lợi thế này sẽ cần thời gian dài để hiện thực hóa. Cho đến lúc đó, châu Á sẽ phải tìm cách vượt qua sự suy giảm về nhu cầu tiêu thụ tại phương Tây và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cũng như hướng tới thị trường trong nước nhiều hơn.

TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nền kinh tế gồm Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru, Mỹ và Việt Nam. Các bên tham gia đàm phán đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Sự tập trung chính hiện nay được dồn vào lĩnh vực dịch vụ và thông tin, trong đó có vấn đề gây tranh cãi như quyền sở hữu trí tuệ. Một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% tổng sản lượng kinh tế thế giới.

Tin bài liên quan