Tất cả các quốc gia đều có thể hưởng lợi từ TPP, đặc biệt là Việt Nam - đất nước được cho là sẽ tận hưởng nhiều lợi thế nhất từ Hiệp định thương mại lịch sử này. Khi TPP cho phép các quốc gia thành viên gỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan, hiệp định này sẽ ảnh hưởng ra sao đến dòng vốn đầu tư trong tương lai?
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, liệu TPP có khiến các NĐT quốc tế cảm thấy thích thú và muốn tăng cường đầu tư hay không? Từ quan điểm của một NĐT nước ngoài, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ củng cố vị thế của mình trong mắt các NĐT quốc tế.
Lý do, khi TPP được ký kết, quá trình chuyển dịch sản xuất từ các nước không thuộc TPP đến Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan sẽ diễn ra, giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn. Quá trình chuyển dịch này sẽ tiếp diễn khi các DN quốc tế luôn muốn giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận.
Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một dẫn chứng. Được ký kết vào những năm 1990 giữa Mỹ và các nước lân cận, NAFTA đã khiến nhiều DN Mỹ chuyển dịch sản xuất sang các vùng rẻ hơn ở Canada và Mexico. Nhờ có NAFTA, các NĐT đã có thêm động lực và niềm tin vào các khu vực kém phát triển hơn, qua đó tăng cường dòng vốn đầu tư trực tiếp của họ vào những nơi này.
Ngoài ra, sau NAFTA, Canada và Mexico cũng nghiêm túc thực hiện luật bản quyền và ứng dụng các thiết bị công nghệ cao, khiến dòng vốn FDI ngày càng tăng lên, góp phần cải thiện GDP và ổn định nền kinh tế. Hai quốc gia này cũng thu hút ngày càng nhiều dòng vốn gián tiếp và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư quốc tế. Chất lượng cuộc sống của người dân nhờ đó được nâng cao.
Vì NAFTA có nhiều điểm tương đồng với TPP, các NĐT có thể trông đợi điều tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam sau khi TPP hoàn tất. Sản xuất sẽ dần chuyển dịch sang các nước đang phát triển trong TPP như Việt Nam, giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn FDI hơn và thụ hưởng chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến. Và tương tự như các quốc gia NAFTA, GDP của Việt Nam nhờ đó cũng sẽ tăng trưởng mạnh, đời sống người dân được cải thiện.
Nhưng có một câu hỏi khác đang gây ra nhiều tranh cãi, là liệu dòng vốn gián tiếp nước ngoài có đổ vào TTCK Việt Nam sau TPP hay không? Theo tôi, Việt Nam sẽ ngày càng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong những tình huống tương tự ở quá khứ, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ theo sát dòng vốn trực tiếp. Khi dòng vốn trực tiếp đổ vào một nơi nào đó, thông thường vốn gián tiếp cũng sẽ đi theo (dù sự tiếp bước này có phần chậm hơn). Vì thế, khi vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, chúng ta có thể mong đợi vốn gián tiếp cũng sẽ tăng theo.
Lấy ví dụ cụ thể, Mỹ hiện không phải là NĐT gián tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng nhiều khả năng các NĐT Mỹ sẽ quan tâm nhiều hơn đến TTCK Việt Nam vì cả hai nước đều là thành viên của TPP. Các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản cũng có thể sẽ tăng cường dòng vốn gián tiếp của họ vào Việt Nam, trong khi các NĐT đã có mặt tại Việt Nam sẽ lạc quan hơn và tin tưởng vào tương lai của TTCK. Nói chung, cộng đồng NĐT quốc tế sẽ nghiêm túc suy xét việc đầu tư vào Việt Nam sau TPP.
Ngoài TTCK, các NĐT gián tiếp nước ngoài có thể sẽ hứng thú với thị trường trái phiếu, giúp thị trường này tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. NĐT ngoại nhiều khả năng sẽ chú ý trước tiên đến chứng khoán của các DN blue-chip và trái phiếu chính phủ, sau đó dần mở rộng đến các loại hình mới hơn và các DN khác trên sàn chứng khoán.
Vì thế, các DN Việt Nam buộc phải gia tăng tính cạnh tranh của mình. Khi mối quan tâm của khối ngoại tăng lên và TTCK phát triển, Việt Nam cần đa dạng hóa các công cụ đầu tư như hình thành quỹ đầu tư bất động sản, chứng khoán phái sinh hay các loại hình đầu tư hỗn hợp khác. Ngoài ra, cũng cần nâng hạng TTCK Việt Nam lên “thị trường mới nổi” để thu hút nhiều NĐT nước ngoài hơn nữa sau khi ký TPP.
Chúng ta nên coi TPP như tấm vé thông hành đến các thị trường phát triển nhất và có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất thế giới. Vì thế, Việt Nam và cả các NĐT quốc tế sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ TPP. Nếu xem sự thành công của NAFTA là một minh chứng điển hình, chúng ta nên an tâm rằng, dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ tăng lên, cho dù đó là trực tiếp hay gián tiếp.
Sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế thường sẽ dẫn đến niềm tin lớn từ phía NĐT nước ngoài và lèo lái dòng vốn đến thị trường mới. Nếu Việt Nam giữ vững nền kinh tế năng động của mình, tôi tin rằng, điều này tất yếu sẽ diễn ra ở Việt Nam.