TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”

0:00 / 0:00
0:00
Đây là kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM sau cuộc họp nghe báo cáo tình hình, công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn vừa được tổ chức hôm nay (13/7).

Tham dự cuộc họp có các Sở, ngành cũng như Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao.

Hiện, tình dịch dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Riêng trong ngày 12/7, Thành phố ghi nhận 1.764 ca nhiễm; trong đó có 208 phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện (chiếm 11,8%), có 17 ca phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng (chiếm 0,1%) và có 1.539 ca được phát hiện trong khu phong tỏa/ khu cách ly (chiếm 87,2%).

Thành phố đang điều trị cho hơn 1.489 ca, có 106 ca đã xuất viện và 17 ca tử vong.

Qua công tác sàng lọc, tầm soát, truy vết, cơ quan chức năng nhận thấy số lượng ca nhiễm là công nhân ở các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi ở của công nhân đang phân tán rộng khắp địa bàn các quận huyện.

Từ đó, dẫn đến nguy cơ rất cao trong lây nhiễm từ nơi ở của công nhân vào nơi sản xuất và ngược lại.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại khu công nghệ cao TP.HCM (Ảnh: SHTP).
Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại khu công nghệ cao TP.HCM (Ảnh: SHTP).

Vì vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, để được duy trì hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố phải thuộc một trong hai nhóm sau.

Đó là, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được yêu cầu vừa sản xuất vừa cách ly người lao động với phương châm “3 tại chỗ” bao gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ.

Hoặc, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện được phương châm “1 cung đường 2 địa điểm”.

Nghĩa là, chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên.

Các doanh nghiệp khi đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần (chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự trả).

Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7/2021 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Tin bài liên quan