Thu hồi và cấp mới
Thông tin trên được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết tại cuộc họp báo Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019 hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Cụ thể, theo ông Hoan, Thành phố đang xử lý 5.000m2 đất vàng ở địa chỉ số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc Thành phố giao đất dự án này cho chủ đầu tư có dấu hiệu định giá đất rẻ hơn so với giá trị thực.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Sở Tài nguyên - Môi trường là đơn vị phụ trách việc thu hồi, tổ chức đấu thầu lại khu đất. Sở Nội vụ tham mưu kế hoạch tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan, kể cả các cán bộ nhiệm kỳ trước đã chỉ đạo, xử lý dự án chưa đúng pháp luật.
“Việc này Thành phố sẽ làm công khai. Làm tới đâu, Thành phố sẽ thông tin cho báo chí tới đó chứ không có gì phải giấu giếm”, ông Hoan khẳng định.
Được biết, khu đất số 8-12 Lê Duẩn có diện tích 4.896 m2, thuộc sở hữu Nhà nước. Ban đầu, khu đất này do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc, là Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty cổ phần Kim khí Thành phố, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện Thành phố và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO).
Đến năm 2010, cả 4 công ty trên (sau này là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).
Sau khi chuyển nhượng, Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH một thành viên Quản lý kinh doanh Nhà TP.HCM (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH một thành viên Hoa Tháng Năm (tỷ lệ 30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido, chiếm tỷ lệ 50%.
Đến tháng 6/2011, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất này (số 8 Lê Duẩn) theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng/m2/năm. Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016 vào ngân sách Nhà nước (hơn 700 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn. TP.HCM giải trình khó thu hồi đất, vì Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng nộp tiền sử dụng đất và thuê đất.
Ngoài ra, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, hiện Thành phố đang xem xét thu hồi hàng loạt dự án đất công được định giá bán cho doanh nghiệp với giá rất thấp, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tìm hiểu được thì hiện tại TP.HCM đang có khá nhiều dự án trong danh sách “có vấn đề” được Thanh tra Chính phủ đưa ra trong kết luận mới đây. Đơn cử như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) bán rẻ khu đất 156 ha công tại Nông trường Dừa để làm khu dân cư, đô thị tại quận 2, TP.HCM.
Cũng theo thông tin từ phía UBND TP.HCM, bên cạnh việc tiến hành thu hồi những dự án đất bán đấu giá sai quy định, Thành phố còn đẩy mạnh việc triển khai dự án tại các lô đất đang bỏ hoang gây lãng phí tại các vị trí trung tâm. Đơn cử như mới đây UBND TP.HCM đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu công viên Bến Bạch Đằng tỷ lệ 1/500 do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát lập và đề xuất hồi giữa năm 2017.
Đây là dự án "đất vàng" có vị trí đắc địa nằm cuối đường Nguyễn Huệ giao với đường Tôn Đức Thắng. Theo quy hoạch được duyệt, Dự án Bến Bạch Đằng thuộc một phần phường Bến Nghé và phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 với quy mô khoảng 18ha.
Trước đó, vào tháng 5/2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát cũng đã đề xuất UBND TP.HCM cho tập đoàn này được tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án Khu Công viên Cảng Du lịch Bạch Đằng (quận 1), gồm: công viên, trung tâm thương mại ngầm, bãi đậu xe ngầm, tầng hầm kỹ thuật và hệ thống giao thông kết nối ngoại vi, bến tàu, bến du lịch…
Theo đề xuất trước đó của Vạn Thịnh Phát, hiện UBND Thành phố đang kêu gọi tham gia đầu tư dự án trên theo hình thức xã hội hóa (đoạn từ công viên phía trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng đến trước đường Hàm Nghi) với diện tích 17,08ha. Trong đó, diện tích mặt đất công viên là 7,02ha và diện tích mặt nước là 10,06ha.
Sau khi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, Vạn Thịnh Phát xin được đầu tư kinh doanh một phần trung tâm thương mại, bãi đậu xe ngầm. Ngoài ra, công ty này còn xin phép khai thác một số kios kinh doanh ẩm thực trong công viên.
Theo quy hoạch, khu trung tâm hiện hữu TP.HCM có diện tích 930ha, khu vực công viên cảng Bạch Đằng là một trong những khu vực đặc biệt. Đường Tôn Đức Thắng đi qua đoạn này sẽ được ngầm hóa và có hai làn xe mỗi hướng. Bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng cách Công trường Mê Linh khoảng 100m về phía Nam của đường Ngô Văn Năm.
Toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng hiện tại sẽ là công viên, đường đi bộ. Ở giữa Công trường Mê Linh sẽ có một vườn trũng bố trí các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng xung quanh. Ở tầng trệt của quảng trường có hơn 50% diện tích cây xanh che phủ, xây đài phun nước. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn có 3 trạm xe buýt, trạm LRT và trạm taxi thủy.
Công viên bến Bạch Đằng nằm trong dải quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng - Ba Son - bến Bạch Đằng - cột cờ Thủ Ngữ - cảng quận 4 đến chân cầu Tân Thuận. Đây là dải công viên cảnh quan đối diện với Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ Đông sông Sài Gòn.
Giữa năm 2017, UBND TP.HCM giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Công viên Cảng Bạch Đằng.
Trong đó, TP.HCM yêu cầu các đơn vị này cần tuân thủ các nội dung của đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu của TP.HCM và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2.
Vẫn còn nhiều đất vàng bỏ hoang
Theo giới phân tích, các hình thức xử lý nói trên sẽ được UBND TP.HCM tiếp tục rốt ráo triển khai theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất công tại địa bàn này. Trong đó, không chỉ buộc doanh nghiệp mua đất rẻ phải trả thêm tiền đất theo đúng giá trị đất như trước đây mà còn có thể thu hồi và bán đấu giá lại.
Tuy nhiên, người dân vẫn kỳ vọng chính quyền Thành phố sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý nhiều quỹ đất vàng trong trung tâm được các doanh nghiệp “xí phần” rồi bỏ hoang nhiều năm không xây dựng.
Đơn cử như quỹ đất rộng 3.805 m2 tại khu tứ giác Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, quận 1. Dự án được hình thành từ ngày 2/2/2004 và đã qua nhiều đời chủ đầu tư nhưng tới nay vẫn trong tình trạng là bãi giữ xe.
Cũng tại khu vực quận 1, chỉ cần đi vòng một lượt cũng dễ dàng nhận thấy còn hàng chục khu đất “vàng” với vị trí đắc địa, có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng vẫn bỏ hoang, làm bãi đậu xe... Như khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng với bốn mặt tiền Hai Bà Trưng - Công trường Mê Linh - Thi Sách - Đông Du, có diện tích 6.000 m2. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ được xây dựng thành dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng nhưng sau nhiều năm vẫn đang là bãi đất trống, một phần được trưng dụng làm bãi giữ xe…
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, ngoài việc xử lý các dự án đất công bán đấu giá sai, Thành phố cũng cần xử lý những dự án mà chủ đầu tư “xí đất vàng” hàng chục năm nhưng không thực hiện xây dựng. Hình ảnh này vừa tạo ra sự lãng phí quỹ đất, lãng phí tài nguyên, cũng như gây ra bộ mặt xấu cho quy hoạch đô thị của TP.HCM.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com