Hòn ngọc Sài Gòn luôn biết tìm cách tỏa sáng
Sau bao đợi chờ, cuối tháng 4/2022, cầu Thủ Thiêm 2 đã chính thức khánh thành. Cây cầu thật đẹp, như tô điểm thêm cho giai điệu quen thuộc “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” hơn nửa thế kỷ nay vẫn làm lay động lòng người Việt khắp năm châu.
Như một sự trùng hợp, cũng vào những ngày cuối tháng 4, những chi tiết cuối cùng của Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế đẳng cấp cũng đang được chuẩn bị để trình Trung ương.
Cầu Thủ Thiêm 2 như thể “bắc cầu” cho Thành phố tiến gần hơn đến khát vọng trở thành TTTC quốc tế. Nhưng từ “tiến gần” đến hiện thực hóa khát vọng này có khi phải mất thêm hàng thập kỷ, nếu thiếu quyết tâm chính trị và vấp phải những sai lầm.
Kinh nghiệm lịch sử sẽ mách bảo cho chúng ta nhiều điều.
Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” trong mắt người phương Tây. Lúc này, trong vùng Đông Á, cùng với Sài Gòn còn có một chuỗi những hòn ngọc xinh đẹp khác là Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Tokyo, Bangkok… Những hòn ngọc vùng Đông Á xưa kia giờ đây đều là đảo kim cương khi trở thành các TTTC hàng đầu thế giới. Còn “Hòn ngọc Sài Gòn” vẫn luôn tìm mọi cách riêng để tỏa sáng, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Những ngày cuối tháng 4 tròn 30 năm trước, năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trải thảm đỏ mời ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng, đương kim Bộ trưởng cao cấp của Singapore sang thăm Việt Nam để góp ý về cải cách kinh tế. Trong cuộc làm việc hiếm hoi với TP.HCM, theo tường thuật của Báo Tuổi trẻ, ông Lý Quang Diệu chăm chú lắng nghe các thuyết trình về định hướng phát triển khu công nghiệp tại các huyện ngoại thành như là một chiến lược công nghiệp hóa của Thành phố, rồi đáp từ bằng một nhận xét ngắn gọn, rằng “công nghiệp hóa không nhất thiết phải có nhà máy hay khu công nghiệp”.
Thông điệp đáng giá nhất mà ông Lý Quang Diệu gửi gắm phải chăng là: nếu chỉ chạy theo trào lưu nhân công giá rẻ, hao tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, thì chỉ có thất bại? Muốn phát triển, phải có sự khác biệt. Đó là bài học mà đảo ngọc Singapore đã định vị để trở thành TTTC luôn nằm trong top hàng đầu thế giới.
Giờ đây, TP.HCM định vị hướng về lĩnh vực dịch vụ, trong đó có các dịch vụ tài chính đẳng cấp quốc tế hàng đầu. Nhưng sẽ phải làm như thế nào?
Gần một thập kỷ qua, sau nhiều hội thảo, nhiều lần hoàn thiện, tính khả thi của Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành TTTC quốc tế phiên bản mới nhất đã được nâng tầm khi có thêm sự tham gia góp ý chi tiết của các nhà đầu tư khu vực tư nhân trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Đề án đã bước đầu nhận được sự ủng hộ của Chính phủ.
Các công việc, lộ trình chi tiết trong từng giai đoạn phát triển TTTC được nhận diện khá chi tiết, từ mô hình chính quyền đô thị, các khu phức hợp ngân hàng, tài chính, dịch vụ đẳng cấp, khía cạnh tài chính (cam kết ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài), tính khả thi, cho đến đề xuất chi tiết những điều chỉnh về mặt pháp lý chưa đồng bộ ở các bộ luật về đất đai, xây dựng, kiểm soát ngoại hối, thuế và các đề xuất chính sách liên quan đến sự phát triển của dịch vụ tài chính gắn với công nghệ (fintech).
Nhìn lại bài học 30 năm trước từ nhận xét của ông Lý Quang Diệu, thật giá trị để người trong cuộc cẩn trọng, rằng “TTTC không nhất thiết chỉ có những tòa nhà chọc trời”, cho dù chúng là điểm nhấn không thể thiếu để các tài năng toàn cầu đến làm việc, sinh sống và sáng tạo.
Ngoài việc định vị chính xác hình hài của TTTC quốc tế, tiếp theo, mọi điều quyết định thành bại xem ra chỉ gói gọn trong 2 từ “thể chế”. Thể chế, trông thật gần, nhưng có lẽ sẽ mất thêm một thập kỷ hoặc hơn nữa cho giấc mơ TTTC quốc tế thành hiện thực. Do tính chất phức tạp liên quan đến chủ quyền tiền tệ quốc gia và sự an toàn của hệ thống tài chính, cải cách thể chế sẽ không thể thực hiện nếu thiếu quyết tâm và sự đồng thuận chính trị tuyệt đối.
“Đặc khu” - không gian phát triển mềm cho trung tâm tài chính quốc tế
Một số TTTC như Amsterdam, London và Hồng Kông nổi lên từ mô hình trung tâm thương mại cổ điển với nền tài chính được xây dựng dựa trên hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, thường là nơi các thương gia chuyển dần từ thương mại sang bất động sản và tài chính.
Tương tự, “Sài Gòn mỹ lệ và tưng bừng” - tên một phóng sự ảnh trên Tạp chí Thế giới Tự do của Chính phủ Mỹ năm 1957 - giới thiệu Sài Gòn sau chiến tranh là một thành phố xinh đẹp và nhộn nhịp hàng đầu Đông Nam Á. Từ một làng chài, rồi đến một cảng thị nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, cho đến một đại đô thị hiện đại ngày nay tập trung phần lớn hệ thống tài chính, ngân hàng của quốc gia, Sài Gòn là địa phương duy nhất ở Việt Nam thể hiện rõ nét nhất hình hài TTTC quốc tế đi lên từ trung tâm thương mại cổ điển theo mô hình của
Charles Kindleberger, giống như Amsterdam, London, Hồng Kông. Hoàn cảnh lịch sử, như thể tự nhiên đã quyết chọn Sài Gòn là một TTTC quốc tế đầy tiềm năng.
Ngoài mô hình TTTC quốc tế hình thành tự nhiên dựa trên yếu tố thương mại, trong thế giới hiện đại ngày nay, nhiều TTTC hàng đầu khác, như Ireland, Dubai, Gujarat (Ấn Độ) được chính phủ các nước xây dựng như một đơn vị trong đặc khu kinh tế.
TTTC tọa lạc trong đặc khu kinh tế là vì sự cần thiết của việc xây dựng một nền kinh tế để cạnh tranh với những TTTC tiên phong và cũng để tận dụng những cơ hội mới của toàn cần hóa và cạnh tranh địa chính trị mang lại. TTTC theo hướng này không nhất thiết được hỗ trợ bởi một nền kinh tế nội địa rộng lớn, mạnh mẽ. Chúng xuất hiện nhiều hơn do mục đích phát triển hoặc khai thác những tiềm năng mới do những thay đổi trong cục diện địa kinh tế - chính trị toàn cầu.
Sự suy thoái của TTTC Hồng Kông hoặc cuộc xung đột tại Ukraine có thể làm cho mạng lưới thanh toán tiền tệ toàn cầu bị phân mảnh, vai trò của các đồng tiền mật mã khu vực tư ngày càng được tăng cường, đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành cũng sẽ được cân nhắc tăng tốc triển khai… Tất cả sẽ rất thuận lợi nếu như thành phố có một mô hình TTTC nằm trong đặc khu kinh tế hay thậm chí là một đặc khu kinh tế chuyên về dịch vụ tài chính để thử nghiệm các đổi mới tài chính. Trở ngại lớn nhất là Việt Nam hiện vẫn chưa có luật về đặc khu kinh tế, khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
Vậy chẳng lẽ phải chọn cách tiếp cận tuần tự với việc TTTC quốc tế hòa nhập chung cùng với quá trình tự do hóa kinh tế của cả nước? Theo cách này, quá trình hiện thực hóa ước mơ về một TTTC đẳng cấp quốc tế liệu có phải mất thêm hàng thập kỷ nữa, như đã từng?
Còn một cách thức khả dĩ là cộng sinh giữa khái niệm hẹp hơn về đặc khu kinh tế, kết hợp với chiến lược phát triển TTTC quốc tế theo từng giai đoạn. Với cách tiếp cận này, đặc khu kinh tế không phải là khu “vật lý” có diện tích giới hạn tách rời khỏi nền kinh tế nội địa. Thay vào đó, chúng là “đặc khu” theo nghĩa tiếp cận khung thể chế để tạo ra một “không gian mềm” phát triển, chẳng những cho TP.HCM, mà còn cho cả khu vực rộng lớn phía Nam. Trong quá trình này, TP.HCM cần được tạo thuận lợi tối đa để trở thành một thành phố toàn cầu và một TTTC tầm cỡ khu vực.
Hoàn cảnh lịch sử, kết hợp với các diễn biến mới trong địa kinh tế - chính trị toàn cầu, khiến TP.HCM sở hữu nhiều lợi thế để có một TTTC quốc tế, vừa dựa trên nền tảng phát triển theo dòng văn minh từ mô hình thương mại cổ điển, vừa được trung ương tạo điều kiện tối đa về mặt thể chế tạo ra một không gian mềm phát triển, tức là một “đặc khu thể chế”, thay vì một đặc khu kinh tế truyền thống.
Cho dù như thế nào, người dân TP.HCM năng động vẫn luôn tìm ra con đường phát triển riêng, sáng tạo, vì cả nước, cùng cả nước. TP.HCM sẽ càng lung linh hơn nữa, nếu vinh dự nhận được những ưu tiên đủ mức để cùng với cả nước đảm nhiệm vị trí như là nơi tọa lạc của TTTC Việt Nam.
Hai cách tiếp cận đối với trung tâm tài chính quốc tế
Tuy còn nhiều tranh luận, nhưng tựu trung, có 2 cách tiếp cận đối với trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế.
Thứ nhất, trong bối cảnh còn nhiều bất cập về các quy định và luật lệ, chủ yếu liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn và tính chuyển đổi của tiền đồng, cần thiết phải tạo ra một TTTC quốc tế trong một khu vực địa lý có đặc quyền được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, một số vấn đề phức tạp cần được làm rõ:
- Làm thế nào để đặc quyền không biến thành đặc lợi của một nhóm lợi ích?
- Đặc quyền liệu có dẫn đến những lỗ hổng nghiêm trọng rò rỉ dòng tiền chảy vào trong và ngoài vùng tài phán của TTTC, từ đây làm trầm trọng thêm những yếu kém hơn là thúc đẩy chúng?
- Liệu rằng, việc tập trung toàn bộ nguồn lực để hình thành khu đô thị đẳng cấp quốc tế cho một khu vực đặc biệt có làm cho cơ sở hạ tầng bị phân mảnh, thiếu liền mạch, dưới mức tối ưu chung nếu đặt trong chiến lược phát triển chung của cả khu vực và cả nước?
- Kinh nghiệm phát triển vùng đất riêng (đặc thù) của Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy, đặc quyền/đặc thù rất dễ trở thành một kênh mới để các nhà đầu tư chuyên tâm tìm kiếm lợi nhuận và đầu cơ thông qua phát triển bất động sản, dưới cái vỏ mỹ miều TTTC.
Thứ hai, triển khai tuần tự quá trình phát triển nhiều giai đoạn của TTTC đồng bộ với quá trình cải cách và tự do hóa chung cả nền kinh tế. Thực tế cho thấy, cũng với cách tiếp cận này, gần 20 năm qua, khát vọng TTTC quốc tế của TP.HCM liên tục lỗi hẹn.