Đúng thời điểm Hà Nội xảy vụ cháy chung cư mini làm chết 56 người, UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐNĐ ngày 7/12/2017 của HĐND Thành phố về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Theo đó, TP.HCM có khoảng 117.969 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, 9.446 cơ cở có nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó còn 1.174 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC như: không đủ điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, giao thông phục vụ chữa cháy...Nhưng tới nay, sau 5 năm thực hiện, toàn thành phố mới có 401/1174 cơ sở (chiếm 34,2%) tổ chức thực hiện các giải pháp PCCC theo Nghị quyết số 23.
Đáng lưu ý, trong đó có 194 chung cư, cư xá chưa thực hiện các giải pháp PCCC theo Nghị quyết số 23. Một số chung cư, cư xá nằm trong diện giải tỏa, xây mới theo kế hoạch của Thành phố nên thường không có Ban quản trị, Ban quản lý, kết cấu cơ sở hạ tầng xuống cấp, hầu như không được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC hoặc có lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng, xuống cấp hư hỏng, không còn tác dụng.
Đáng nói, do không có Ban quản trị nên không thể kêu gọi người dân đóng góp trong khi kinh phí cải tạo, sửa chữa, lắp đặt hệ thống PCCC rất lớn, đồng thời hầu hết người dân sinh sống tại các khu vực này là người có thu nhập thấp, dẫn đến việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị quyết số 23 gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số cơ sở thuộc sở hữu của nhà nước như trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ quan, chợ, ký túc xá cũng chưa thực hiện các yêu cầu, giải pháp tại Nghị quyết số 23. Nguyên nhân do các cơ sở này hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhà nước, muốn cải tạo, sửa chữa phải xin chủ trương, xin cấp nguồn kinh phí cấp trên dẫn đến thời gian khắc phục yêu cầu của Nghị quyết số 23 cần thời gian dài.
Ngoài ra, còn 235 cơ sở thuộc sở hữu tư nhân chưa thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết số 23. Trong đó, nhiều cơ sở xây dựng không có giấy phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch hoặc không đảm bảo về môi trường, có cơ sở thuộc diện di dời và có nguyện vọng di dời, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do chưa có sự phối hợp toàn diện giữa cơ quan, đơn vị có liên quan và chủ đầu tư.
Một số trường hợp muốn đáp ứng được các yêu cầu an toàn về PCCC thì buộc phải phá dỡ hoàn toàn (hoặc 1 phần) nhà xưởng, công trình, nhà kho... dẫn đến chủ doanh nghiệp hầu như không thực hiện được do kinh phí đầu tư xây dựng mới rất lớn, trong khi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này hết sức khó khăn.
Chung cư cũ nguy hiểm tại TP.HCM |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, UBND TP.HCM yêu cầu tới hết quý II năm 2024, chính quyền các quận huyện và TP. Thủ Đức phải có phương án xử lý phù hợp với 92 cơ sở không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC; hướng dẫn chuyển đổi công năng, tự nguyện hoặc bắt buộc di dời với 107 cơ sở không có khả năng khắc phục yêu cầu về PCCC; lập dự toán cụ thể từng công trình, bố trí nguồn ngân sách để cải tạo đảm bảo PCCC với các cơ sở nhà nước trực thuộc Thành phố.
Với các nhà chung cư không có Ban quản trị, Ban quản lý, UBND TP.HCM giao chính quyền các quận huyện tham mưu Thành phố bổ sung ngân sách kết hợp xã hội hóa từ người dân cư trú tại chung cư để tiến hành các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC. Riêng các chung cư đã có kế hoạch giải tỏa, xây mới thì phải nhanh chóng thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài.