Trong kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính, UBND TPHCM cho biết tổng nhu cầu vốn để đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2016-2020 khoảng 296.700 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương (60 dự án) là gần 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPHCM mới được Bộ Kế hoạch – Đầu tư bố trí gần 8.500 tỷ đồng. Nhu cầu vốn ODA mà TPHCM cần là hơn 48.000 tỷ đồng nhưng Trung ương mới cấp phát 13.500 tỷ đồng (9 dự án).
Vốn đối ứng từ ngân sách thành phố cho các dự án ODA (38 dự án) là hơn 11.200 tỷ đồng; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP (13 dự án) là hơn 9.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, TPHCM cần nguồn vốn để trả nợ và lãi vay cho các dự án xây dựng trường mầm non; vốn cho chương trình đầu tư do các sở triển khai và vốn phân cấp cho UBND các quận, huyện.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần vốn hoàn thành các dự án đã khởi công từ năm 2016 về trước và khởi công các dự án cho giai đoạn 2017-2020 là hơn 76.400 tỷ đồng. Vốn cho 1.314 dự án chuẩn bị đầu tư là hơn 146.700 tỷ đồng.
Theo UBND TPHCM, căn cứ khả năng huy động nguồn thu ngân sách thành phố giai đoạn 2016-2020 và các văn bản thông báo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn này theo khả năng cân đối nguồn vốn là 150.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với giai đoạn trước (2011-2015).
Nguồn vốn 150.000 tỷ đồng sẽ được ưu tiên đầu tư cho 5 lĩnh vực quan trọng là giao thông, giảm ngập và phòng chống lụt bão, môi trường, giáo dục, y tế.
Trong đó, thành phố dự kiến đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng để giải quyết các dự án giao thông cấp thiết như ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như cải tạo đường Cộng Hòa, cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Bình Lợi - Vành Đai ngoài, dự án đường nối từ Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa..
Ngoài ra, TPHCM còn đầu các dự án khu vực cảng Cát Lái như cải tạo nâng cấp hoàn thiện mặt đường Vành đai phía Đông, nút giao Mỹ Thủy, cầu Bà Cua, xây cầu qua đảo Kim Cương... Xây dựng thay thế các cầu yếu như Nam Lý, Rạch Chiếc trên đường Vành đai Đông, cầu Thăng Long...
Theo UBND TPHCM, so với tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 của thành phố (296.721 tỷ đồng) thì hiện nay còn 1.314 dự án chuẩn bị đầu tư với nguồn vốn 146.706 tỷ đồng chưa được bố trí.
Các dự án này đã được thành phố thông qua chủ trương đầu tư hoặc được cập nhật bổ sung đầu tư thêm trong các năm, thực hiện cơ chế điều hành ngân sách.
Chính quyền TPHCM cho biết, sẽ có nhiều giải pháp huy động nguồn vốn cho đầu tư trong những năm tới xã hội hóa và công khai các dự án kêu gọi nhà đầu tư, rà soát và quy hoạch chi tiết quỹ đất đối ứng cho các dự án PPP (đối tác công tư).