Người dân mua xăng tại Cửa hàng xăng dầu trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), tối ngày 12/10. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ngày 10/11, tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến vấn đề thị trường cung ứng xăng, dầu trên địa bàn thành phố, ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình xăng dầu trên địa bàn thành phố tiếp tục gặp khó khăn.
Tính đến 15 giờ ngày 10/11, bên cạnh 3 cửa hàng xin ngừng hoạt động để sửa chữa, 10% số cửa hàng còn lại vẫn đang ngừng kinh doanh mặt hàng xăng do thiếu hàng cục bộ. Hiện 90% cửa hàng xăng dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động bình thường. Riêng trong ngày 10/11 đã có 24 cửa hàng được cung cấp đầy đủ xăng dầu để mở bán trở lại, phục vụ người dân.
Theo ông Ngô Hồng Y, để đảm bảo nguồn xăng dầu trên địa bàn, Sở Công Thương sẽ tập trung ba giải pháp chính để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước mắt, Sở Công Thương cùng các sở ngành liên quan theo dõi sát tình hình xăng dầu tại địa bàn, tổ chức các cuộc họp với các thương nhân, đầu mối, nắm bắt kịp thời các khó khăn để tháo gỡ. Đồng thời, Sở Công Thương vận động các thương nhân đầu mối có nguồn cung dự trữ lớn, chia sẻ với các thương nhân đang thiếu nguồn cung.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục đề xuất Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh gia hạn thời gian cho phép xe vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm đến 15/1/2023.
Về vấn đề kiểm soát thị trường, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát, đặc biệt với các cửa hàng ngừng hoạt động. Những cửa hàng đó cần kiểm tra nguyên nhân cụ thể để có giải pháp xử lý kịp thời.
Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 9/11, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp với các thương nhân xăng dầu trên địa bàn thành phố nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc; trong đó, nội dung nào thuộc thẩm quyền thì Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành sẽ chỉ đạo giải quyết. Nội dung thuộc thẩm quyền của Trung ương, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để kiến nghị các bộ ngành và Thủ tướng.
Thông tin thêm về nạn xe dù bến cóc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Đỗ Ngọc Hải, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo thanh tra sở chủ động phối hợp cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã xử lý 1.709 trường hợp với 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang rà soát lại các vị trí lắp đặt camera trên các tuyến đường để làm cơ sở xử lý qua hình ảnh.