Ngành Y tế TP.HCM tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để giảm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng
Giảm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng
Ngày 8/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Thành phố ghi nhận gần 8.400 trường hợp mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố.
Từ 6 giờ ngày 7/7 đến 6 giờ ngày 8/7, ghi nhận 1.284 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là trong khu vực cách ly và khu vực phong tỏa, có 210 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 573 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Theo HCDC, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm.
Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Nghiên cứu cũng cho thấy, ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Thành phố hiện đang tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây; lập bản đồ dịch tễ các ổ dịch, phân loại các vùng nguy cơ tại các địa bàn quận, huyện để từ đó đề xuất địa phương lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm (đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí) cũng như quyết định khu vực nào cần phong tỏa, xét nghiệm tầm soát diện rộng hơn để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và mẫu đơn RT-PCR. Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.
Ngành y tế Thành phố thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch) có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.
Theo kế hoạch triển khai xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn Thành phố, yêu cầu thực hiện khoảng 200.000 xét nghiệm/ngày; các trung tâm y tế sẽ căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh ở địa phương, đề xuất nhu cầu sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Thí điểm triển khai test nhanh ở các khu công nghiệp do các doanh nghiệp tự chi trả. Cùng với đó, tiến hành lặp lại xét nghiệm ở những vùng có nguy cơ cao để loại bỏ nguồn lây trong cộng đồng. Đối với khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 2-3 ngày/lần. Đối với khu vực có nguy cơ cao: triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 5-7 ngày/lần.
Nâng cao năng lực cách ly, điều trị
Thành phố đã mở rộng khu cách ly tập trung thành phố 30.000 giường. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức có kế hoạch thực hiện mỗi một đơn vị từ 300 – 400 giường cách ly theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tăng cường khu cách ly tập trung khách sạn ở tại địa phương.
Tăng cường quản lý, phòng chống lây nhiễm chéo trong cách khu cách ly tập trung để hạn chế số lượng bệnh nhân nhằm tránh quá tải hệ thống bệnh viện. Ngành y tế Thành phố đề xuất cách ly tập trung F1 trong vòng 14 ngày và theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp. Thí điểm cách ly F1 tại nhà theo tiêu chí của Bộ Y tế và điều kiện thực tiễn của các địa phương, nhưng phải đảm bảo không phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Hệ thống xe vận chuyển người bệnh Covid-19 tại TP.HCM |
Theo HCDC, Thành phố triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).
Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch điều trị 20.000 giường, đảm bảo nguồn nhân lực và các trang thiết bị y tế. Tiếp nhận và điều phối 500 bác sĩ (có 80 bác sĩ chuyên về hồi sức) và 1.500 điều dưỡng (có 240 điều dưỡng chuyên về hồi sức), kỹ thuật viên từ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố để hỗ trợ công tác điều trị ở các bệnh viện điều trị Covid-19 tại các cửa ngõ.
Đồng thời, cũng tiếp tục đề xuất Bộ Y tế cung cấp nguồn nhân lực 1.000 bác sĩ (100 bác sĩ chuyên về hồi sức), 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên (300 điều dưỡng chuyên về hồi sức). 500 chuyên gia, sinh viên chuyên ngành y tế công cộng và y học dự phòng để truy vết ca bệnh.
Liên quan đến tiêm vaccine phòng Covid-19, theo HCDC, qua 4 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm là 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2. Thành phố đang tăng cường độ bao phủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. Đây là biện pháp lâu dài đặc biệt là đối với các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh cũng như phòng ngừa phát sinh các chủng đột biến mới.
Bên cạnh đó, cải tiến các quy định, quy trình trong tiêm chủng cho phù hợp điều kiện thực tiễn để đảm bảo việc tiêm nhanh với số lượng lớn, để đảm bảo nguồn lực y tế trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân.
“Hiện nay, Thành phố đã có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine đợt 5 với 100.000 liều do Bộ Y tế phân bổ, các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ tổ chức và thực hiện tiêm chủng dựa trên danh sách của các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21”, đại diện HCDC chia sẻ.
Theo HCDC, từ ngày 22/6 đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 9.000 ca ghi nhận trong 17 ngày, trung bình mỗi ngày phát hiện 543 ca. Để làm giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh, Thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 9/7:
Ngừng triệt để các cơ sở hoạt động không thiết yếu, những địa điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu nhưng nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng phải tạm dừng hoạt động.
Không tụ tập trên 2 người tại nơi công cộng. Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc, khám chữa bệnh cấp cứu.
Hạn chế sự lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác nhằm tránh sự lây lan mầm bệnh giữa các nơi. Công nhân làm việc ở khu công nghiệp thuộc tỉnh, thành nào thì ở tại địa phương đó.