Tần suất kiểm tra chất lượng sản phẩm tại chợ nhỏ còn ít
Theo đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, ngoài việc thành lập 20 đoàn kiểm tra ATTP tại các quận, huyện, tần suất lấy mẫu kiểm tra trong những ngày cận Tết cũng dày đặc hơn nhằm ngăn chặn, xử lý ngay thực phẩm “bẩn” trước khi được tiêu thụ.
Hiện các biện pháp giám sát chất lượng sản phẩm thường được áp dụng nghiêm ngặt tại nguồn cung ứng lớn như chợ đầu mối. Trong khi đó, công tác này tại các chợ nhỏ lẻ, truyền thống chưa được thực hiện thường xuyên.
Cụ thể, báo cáo trong buổi làm việc với Ban ATTP TP.HCM hôm 21/1, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó ban Ban Quản lý chợ An Đông (quận 5) cho biết, phía chợ định kỳ phối hợp với trung tâm y tế của quận tiến hành lấy mẫu, kiểm tra nhanh hàng hoá, thực phẩm tại chợ.
Ngoài ra, trong năm 2020, Ban Quản lý chợ chủ động lấy 20 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban ATTP TP.HCM, chỉ có 20 mẫu sản phẩm được lấy để kiểm tra trong tổng số 41 hộ kinh doanh, 85 sạp kinh doanh thực phẩm và 27 hộ kinh doanh ăn uống trong toàn chợ An Đông là rất ít. Vì vậy, bà Lan cho rằng, Ban Quản lý chợ An Đông cần chủ động tăng cường công tác lấy mẫu, kiểm tra đối với thực phẩm, đặc biệt với thực phẩm chế biến, tươi sống.
Tần suất lấy mẫu kiểm tra chất lượng thực phẩm tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cũng tương tự chợ An Đông. Bà Đặng Thị Mộng Huyền, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo tại chợ Phạm Văn Hai cho biết, nguồn thịt được lấy từ các mối sỉ, cam kết đều có hoá đơn, giấy nhập hàng hàng ngày, do vậy, Ban ATTP chỉ định kỳ lấy mẫu kiểm tra khoảng hai lần/năm.
Đại diện Ban ATTP TP.HCM cho biết, tần suất kiểm tra lấy mẫu tại nguồn với các chợ đầu mối được thực hiện dày đặc hơn, vì là các loại thực phẩm từ đây toả ra khắp nơi. Còn tại chợ truyền thống, nhỏ lẻ trên địa bàn thì tần suất kiểm tra thấp hơn chợ đầu mối.
Chính quyền 24 quận, huyện sẽ tăng cường kiểm tra
Từ đầu tháng 10/2020, ban quản lý ATTP Thành phố đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận Bình Tân, Bình Thạnh, quận 5, quận 10, huyện Bình Chánh... Kết quả kiểm tra cho thấy, trong 2 tháng vừa qua, có 10% các cơ sở được kiểm tra vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, đầu tháng 1/2021, ban Quản lý ATTP TP.HCM phát hiện một kho lạnh ở quận Bình Tân chứa gần 6 tấn thực phẩm, sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ và có những biểu hiện kém chất lượng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tịch thu, tiêu huỷ và xử phạt 90 triệu đồng.
Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM, ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa có văn bản đề nghị UBND 24 quận, huyện ngoài triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm, còn phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thuỷ sản tuân thủ đẩy đủ các quy định liên quan.
Ngoài ra, UBND 24 quận, huyện cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến kinh doanh nông - lâm - thuỷ sản, các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thịt, giò chả, thuỷ sản, rau quả… để kịp thời phát hiện, xử lý cũng như áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, công khai thông tin về cơ sở vi phạm.
"Dựa theo kết quả xét nghiệm các mẫu đã lấy những ngày qua, chất lượng an toàn thực phẩm Tết năm nay có cải thiện khá nhiều so với những năm trước đây. Tôi không khẳng định tất cả các sản phẩm trôi nổi đều mất an toàn, nhưng thẳng thắn mà nói những cơ sở bất hợp pháp, những hàng bán lề đường, không có địa chỉ rõ ràng, thì rủi ro về an toàn thực phẩm sẽ cao hơn”, bà Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo.