Dự án cầu Nam Lý ghi vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng, song không giải ngân được đồng nào tính đến ngày 31/7/2022. Ảnh minh họa
Ghi vốn vài chục triệu đồng giải ngân cũng “zero”
“Căn bệnh” chậm giải ngân đầu tư công tại TP.HCM tiếp tục tái phát trong 7 tháng của năm 2022, khi tỷ lệ giải ngân chỉ đạt tỷ lệ 26% (8.467 tỷ đồng).
Trong số 100 dự án đầu tư công tại TP.HCM có tỷ lệ giải ngân bằng 0 trong 7 tháng qua, có nhiều dự hạ tầng giao thông. Trong đó, chỉ riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM có tổng cộng 126 dự án, với rất nhiều dự án có kế hoạch vốn năm 2022 lên đến hàng trăm tỷ đồng, song không giải ngân được đồng vốn nào.
Điển hình là Dự án cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức), ghi vốn năm 2022 là 250 tỷ đồng và Dự án cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc, TP. Thủ Đức) ghi vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng, song không giải ngân được đồng nào tính đến ngày 31/7/2022.
Ngay cả các dự án xưa nay được coi là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, cần phải được xây dựng sớm, thì cũng rơi vào tình trạng giải ngân bằng 0 trong 7 tháng qua. Trong đó, phải kể đến các dự án như mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý; xây dựng cầu Rạch Đĩa (nối quận 7 với huyện Nhà Bè); nâng cấp mở rộng đường Tên Lửa (quận Bình Tân).
Không chỉ các dự án lớn hàng trăm tỷ đồng, mà các dự án nhỏ ghi vốn năm 2022 ở mức 50 - 100 triệu đồng cũng rơi vào cảnh giải ngân “zero”. Đáng chú ý phải kể đến một số dự án như xây dựng Bến xe buýt Củ Chi, ghi vốn năm 2022 là 100 triệu đồng, nhưng chưa giải ngân được đồng nào. Hay dự án sửa chữa nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1, ghi vốn năm 2022 là 50 triệu đồng cũng chưa giải ngân.
Chủ đầu tư khẳng định sẽ giải ngân… lên 95% vào cuối năm
Trước tình hình vốn giải ngân cho các dự án giao thông ở mức thấp báo động, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) lý giải, các dự án giao thông có đặc thù giải ngân theo tiến độ thi công, chứ không chia đều cho từng tháng. Do vậy, có thể 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 20 - 30%, nhưng hết năm vẫn đạt 100%.
Ông Phúc dẫn ví dụ 3 dự án gồm nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, xây mới đường Trần Quốc Hoàn, từ đầu năm ghi kế hoạch vốn 200 - 300 tỷ đồng mỗi dự án. Cả 3 dự án phải trải qua nhiều quá trình như chọn tư vấn, thiết kế, khảo sát, duyệt bản vẽ thi công, đấu thầu chọn nhà thầu xây lắp..., nên phải đến cuối năm mới có thể khởi công được. Khi dự án chính thức khởi công thì mới giải ngân tiền cho nhà thầu. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân của các dự án khởi công mới chắc chắn sẽ “vọt” lên trong giai đoạn cuối năm.
Còn đối với những dự án đang vướng giải phóng mặt bằng như cầu Tăng Long, cầu Nam Lý... hiện đã được ghi vốn giải phóng mặt bằng. Các quận, huyện nơi có dự án đi qua cam kết sẽ chi trả bồi thường cho người dân trong quý IV năm nay. Do vậy, tỷ lệ giải ngân của các công trình này cũng phải đợi đến cuối năm mới giải ngân được.
Đối với những dự án đang thi công, ông Lương Minh Phúc cho biết, khi dự án bước vào giai đoạn thi công, thì tỷ lệ giải ngân tăng đều hàng tháng theo tiến độ, nên số vốn ghi kế hoạch từ đầu năm sẽ đảm bảo giải ngân hết 100% vào cuối năm.
“Từng dự án đều có tiến độ chi tiết, kiểm điểm hàng tuần, hàng tháng để báo cáo lãnh đạo UBND TP.HCM. Ba năm qua, chúng tôi đều đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Năm nay, chúng tôi vẫn cam kết vượt tỷ lệ giải ngân trên 95% trước thời điểm ngày 31/12”, ông Phúc khẳng định.
Khi thấy tình trạng giải ngân đầu tư công của Thành phố ở mức báo động, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM mới diễn ra, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM, rất sốt ruột và lo lắng cho tình trạng này.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhận định, nếu giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch, thì sẽ không thúc đẩy được sản xuất - kinh doanh, không dẫn dắt được đầu tư xã hội, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.