TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Trong quý I/2023, những ngành phụ thuộc lớn vào xuất khẩu có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm. Do đó, Sở Công thương TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ tại buổi họp.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ tại buổi họp.

Đây là chia sẻ của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM tại buổi họp báo định kỳ quý I/2023 khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM có mức giảm thấp hơn mặt bằng chung cả nước.

Cụ thể, số liệu của Sở Công thương cho thấy, chỉ số IIP của TP.HCM trong quý I/2023 giảm 0,9% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, áp lực chi phí đầu vào.

“Tuy sản lượng công nghiệp còn giảm nhưng đang trong xu hướng phục hồi tăng trưởng dương. Cụ thể, IIP tháng 1 giảm 15%, 2 tháng giảm 2,5%, 3 tháng giảm 0,9%”, đại diện Sở Công thương nói và cho biết thêm, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, sản lượng công nghiệp quý 1/2023 ước tăng 8,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,4%).

Trong đó, ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 22,9% (cao hơn mức 18,9% của cùng kỳ năm 2022). Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đang dần khôi phục. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác từ đầu năm.

Ngoài ra, người dân ngày càng quan tâm hơn về sức khỏe, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi là nguyên nhân giúp cho ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng trưởng.

Hầu hết các công ty thuộc ngành sản xuất thuốc hóa dược đẩy mạnh sản xuất, khối lượng sản phẩm sản xuất tăng cao hơn so với cùng kỳ, vì vậy chỉ số IIP ngành hóa dược dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống cũng ước tăng 18,5% (cùng kỳ tăng 3,2%), nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất đồ uống (tăng 53,7%). Các doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và dịp lễ hội sau Tết. Doanh nghiệp tăng thu mua nguyên liệu, tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định đã giúp chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành này có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, ngành cơ khí ước giảm 6,5% (cùng kỳ tăng 4%), nhưng đang có xu hướng phục hồi. Cụ thể, IIP ngành cơ khí tháng 1 giảm 28,4%; 2 tháng giảm 10,3% và 3 tháng ước chỉ còn giảm 6,5%. Điều này có được là nhờ sự đóng góp của phân ngành sản xuất phương tiện vận tải khác, với sản lượng quý I/2023 ước tăng 20,5%.

Ông Vũ cũng chỉ ra rằng, 5 ngành có chỉ số IIP giảm trong quý I đều là những ngành có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, gồm cơ khí; điện tử; dệt; da và sản phẩm liên quan và sản xuất trang phục. Do tổng cầu thế giới sụt giảm nên số lượng và giá trị đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Vì vậy, thời gian tới, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Gần nhất là Diễn đàn và hội chợ Hàng Việt Nam xuất khẩu (HCM City Export 2023) sẽ diễn ra từ ngày 25 - 28/5 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC.

Sở Công thương TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. (Ảnh: Việt Dũng)
Sở Công thương TP.HCM sẽ tập trung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. (Ảnh: Việt Dũng)

Dự kiến hội chợ có quy mô 250 gian hàng, quy tụ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trung tâm XTTM các tỉnh thành, Hiệp hội ngành hàng trong Top nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của TPHCM như, nông sản; dệt may, da giày, túi xách; đồ gỗ và mỹ nghệ; thực phẩm đồ uống; thủy hải sản; điện tử, cơ khí, cao su - nhựa...

Để hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 50% chi phí tham gia gian hàng. Cụ thể với mỗi gian hàng tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/gian hàng/doanh nghiệp.

Hội chợ dự kiến thu hút khoảng 8.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 80% khách chuyên ngành là các nhà nhập khẩu, nhà thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi bán buôn tại các thị trường lớn Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trong khuôn khổ sự kiện, Diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh” với nội dung xoay quanh những khó khăn, điểm yếu của xuất khẩu hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng trong 3 lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế “công nghiệp – nông nghiệp – thương mại và dịch vụ”, hướng tới xuất khẩu xanh, góp phần từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Sự kiện sẽ là nơi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn về mặt chính sách, giúp cho doanh nghiệp hiểu và tận dụng lợi thế của các Hiệp định FTA để hướng đến xuất khẩu xanh và bền vững”, ông Vũ nói và bày tỏ mong muốn đưa TP.HCM thành nơi gặp gỡ của những nhà hoạch định chính sách, nhà mua hàng quốc tế để cùng thảo luận về xu hướng tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng. Qua đó doanh nghiệp sản xuất nắm bắt được xu hướng, mở rộng thị trường cũng như nguồn cung nguyên liệu ổn định.

Tin bài liên quan