Dòng kênh Tàu Hủ sắp tới sẽ được chỉnh trang

Dòng kênh Tàu Hủ sắp tới sẽ được chỉnh trang

TP.HCM sắp xóa hàng chục ngàn nhà tạm ven sông

(ĐTCK) Giải tỏa nhà ở trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị, tạo đột phá trong phát triển đô thị là một trong những mục tiêu lớn của TP.HCM mà Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành xây dựng Thành phố trong năm 2018 diễn ra cuối tuần qua…

Hơn 20.000 căn nhà trên kênh rạch cần giải tỏa

Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, di dời, giải tỏa nhà trên/ven kênh rạch là 1 trong 4 chỉ tiêu quan trọng của Chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị được thông qua tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X.

Mục tiêu đến năm 2020, quyết tâm cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.

Qua hơn 20 năm Thành phố di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống ven/trên kênh rạch, đến nay đã có 36.000 căn nhà được di dời, đời sống của người dân được cải thiện. Để tiếp tục thực hiện Chương trình nói trên, Thành phố đang triển khai Đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn.

Theo đề án, phương thức thực hiện được chia làm 3 nhóm: dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách (6.697 căn với vốn bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng), dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư  - PPP (gồm 8.084 căn với vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng), dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị (331 căn).

Nhà ven, trên kênh rạch hiện nay tập trung chủ yếu tại một số địa bàn, như quận 8 (11.000 căn), bờ Bắc và bờ Nam kênh Đôi là 6.015 căn, quận Bình Thạnh (1.830 căn), quận 4 (1.630 căn), quận 5 (833 căn)…

TP.HCM: Lấy đâu 30.000 tỷ đồng di dời nhà ven kênh?

Một trong những vướng mắc lớn nhất khi triển khai các đầu việc trên là thiếu nguồn lực, cụ thể là nguồn ngân sách hạn chế. Dự kiến, vốn ngân sách phân bổ cho chương trình này là 2.100 tỷ đồng, trong khi nhu cầu là khoảng 10.000 tỷ đồng. Mặt khác, để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị cần vốn đầu tư lớn, thời gian lâu nên không có nhiều nhà đầu tư tham gia.

Về bản chất, các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh, rạch là dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân nơi đây để từ đó xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực. Trong khi đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư dự án, trung bình là 1,5 tỷ đồng/căn, riêng dự án bờ Nam kênh Đôi là 2,6 tỷ đồng/căn.

Do đó, không có nhiều nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, quỹ nhà tái định cư của Thành phố cũng không đủ đáp ứng quy mô di dời và tái định cư 20.000 hộ dân. Việc di dời, bồi thường cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn do phần lớn nhà có phần diện tích lấn chiếm, diện tích nhỏ không đủ tiêu chuẩn tái định cư…

Cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một số doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản cho rằng, thật ra, chỉnh trang đô thị phần lớn là những dự án "xương xẩu", làm vì phúc lợi, cộng đồng là chính. Chính vì vậy, để doanh nghiệp tham gia, Thành phố cần có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, Thành phố cần có cơ chế, tạo điều kiện về vốn để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời hiện nay, trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian. Tổng thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tối thiểu là 647 ngày đối với trường hợp đấu thầu và tối thiểu 572 ngày đối với trường hợp chỉ định thầu, trong khi nhiệm vụ chỉnh trang đô thị đang rất cấp bách.

Do đó, Thành phố cũng cần có cơ chế linh hoạt trong thủ tục hành chính, nếu quá thẩm quyền thì xin ý kiến Chính phủ. Nếu không được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt để triển khai tổ chức thực hiện chỉnh trang đồng bộ các tuyến kênh, rạch thì khó di dời được 20.000 căn trong giai đoạn 2016 - 2020.

Về vấn đề này, bà Linh cho rằng, công tác chỉnh trang, thay đổi bộ mặt đô thị của TP.HCM thời gian qua đã đạt được những tiến bộ lớn. Với việc tốc độ di dân đến TP.HCM tăng rất cao, công tác quản lý đô thị cần bám sát thực tiễn, đáp ưng nhu cầu phát triển, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, tránh những biến tướng, phát sinh tiêu cực.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan