2% doanh nghiệp Thành phố có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng
Lần đầu tiên Uỷ ban nhân dân TP.HCM chủ trì Hội thảo Phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp TP.HCM vào tuần trước.
Như lời của ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM, Hội thảo là khởi đầu cho quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền Thành phố cùng với doanh nghiệp hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp.
Ông tâm đắc với câu nói của nhà văn nổi tiếng người Mỹ, Stephen King rằng: Một sản phẩm có thể lỗi thời nhanh chóng, nhưng một thương hiệu thành công sống mãi với thời gian” và nhận thức sâu sắc rằng, để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao thì cần thiết phải xây dựng được và phát triển các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mạnh của thành phố.
Tuy nhiên, hạn chế về quy mô dẫn đến trở ngại cho mỗi doanh nghiệp trên hành trình xây dựng thương hiệu.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 390.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 52% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước).
Nhưng, số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng chỉ khoảng 2% hay số doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp.
Trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, 86,9% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ chiếm 4,7% và doanh nghiệp vừa chiếm 6,3% và doanh nghiệp lớn chiếm 1,7%.
TP.HCM được đánh giá như đầu mối hội tụ của nhiều giá trị văn hóa đa dạng, nhiều lợi thế kinh tế, thì việc dùng chiến lược ‘bottom-up’, lựa chọn trước thương hiệu sản phẩm đơn lẻ khi chưa có định vị hình ảnh chung cho thành phố sẽ gây nhiều tranh cãi và khó khăn trong việc xác định tiêu chí.
“Vang lừng một thời với danh hiệu “Hòn ngọc viễn Đông”, TP.HCM hiện nay vẫn tiếp tục là một địa phương có nền kinh tế đi đầu cả nước, có cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng định vị cho thương hiệu địa phương có lẽ là còn loay hoay nhất cả nước”, ông Lương Văn Hà, nghiên cứu sinh tiến sỹ trường kinh doanh ESCP Europe (Paris).
Khẩu hiệu quảng bá “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình” còn quá chung chung nên chưa nêu bật được hết tiềm năng khổng lồ của địa phương có tầm vóc.
Theo ông Lương Văn Hà, điều này cũng giống như một người có quá nhiều “tài năng” nhưng không biết loại đi những “tài vặt” trong lý lịch khiến người ta hoài nghi về năng lực chuyên sâu của một “chuyên gia”.
Chủ tịch UBND TP.HCM kỳ vọng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ càng thắt chặt. Doanh nghiệp lớn có thương hiệu sẽ ‘lôi kéo’ doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển uy tín, thương hiệu TP.HCM.
“Sắp tới, TP.HCM sẽ hình thành một Hội đồng phát triển ngành với từng lĩnh vực. Trên cơ sở này để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp từng ngành và sẽ tổ chức đối thoại không chỉ một năm một lần, mà có thể mỗi quý một lần”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cần chọn cụ thể ngành hàng, lĩnh vực có lợi thế
Ngày nay, khi đề cập về thương hiệu, người ta không chỉ nói đến thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp mà còn tiếp cận và về thương hiệu cá nhân, thương hiệu tổ chức, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia.
Từng ngày, từng giờ, từng người, từng việc trong tất cả các tác nghiệp từ sản xuất đến cung ứng sản phẩm đều góp phần tạo dựng hình ảnh và danh tiếng cho sản phẩm và doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu không chỉ là thiết kế bộ nhận diện thương hiệu và công bố, truyền thông đến với công chúng mà quan trọng hơn nhiều là theo đuổi giá trị cốt lõi và tối đa hoá lợi ích cho khách hàng thông qua sản phẩm và quá trình cung ứng, giao tiếp (kể cả giao tiếp nội bộ).
Ông Lương Văn Hà cho rằng, TP.HCM cần một chiến lược xây dựng thương hiệu tổng thể bài bản có thể nêu bật các giá trị và lợi thế của nó.
Trước mắt, để đạt tính khả thi cho việc bầu chọn sản phẩm mang thương hiệu “Thành phố Hồ Chí Minh”, Thành phố có thể dựa theo các hình ảnh cốt lõi được xác định trong chiến lược xây dựng thương thiệu du lịch hiện có.
Sau đó, theo hướng tiếp cận top-down - lựa chọn ngành hàng phù hợp và bình chọn các thương hiệu sản phẩm trong từng ngành hàng với sự khách quan và công tâm cao nhất.
Các doanh nghiệp kỳ vọng, TP.HCM sẽ có định hướng rõ ràng về ngành, lĩnh vực cụ thể trong xây dựng thương hiệu địa phương (Ảnh: Người dân đổ xô mua sắm nhân ngày khuyến mãi).
Việc bầu chọn này phải mang tính công khai để thành lập nên danh sách “Sản phẩm bản sắc Sài Gòn - TPHCM” (tối đa nên là 20 sản phẩm) phục vụ cho việc giới thiệu với du khách khi đến với Thành phố và các nhà đầu tư trong các dịp sự kiện.
Các sản phẩm/dịch vụ/doanh nghiệp được bầu chọn sau đó sẽ cùng nhau gắn logo chính thức của chiến lược truyền thông thương hiệu (ví dụ: “Dynamic Saigon”) và sẽ được chính thức xuất hiện trong các sự kiện xúc tiến, quảng bá chung của thành phố.
Ông Trương Tấn Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist Group cũng cho rằng, Thành phố có thể hợp tác cùng một Tạp chí, tổ chức bình chọn các thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm mạnh hàng đầu trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó, các Sở, ngành cũng cần hợp tác với doanh nghiệp, chung tay bảo vệ thương hiệu trước tình trạng thương hiệu giả mạo, vi phạm sở hữu trí tuệ,…ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ nhìn thấy định hướng của chính quyền Thành phố trong định vị, uy tín, thương hiệu gắn với lĩnh vực cụ thể nào. Từ đó, có chính sách thu hút để doanh nghiệp tập trung đầu vào.
“Hiện có 390.00 doanh nghiệp trên địa bàn thì không thể đầu tư xây dựng thương hiệu dàn trải, mọi lĩnh vực mà cần chọn lĩnh vực đặc trưng thông qua việc thành lập Hội đồng bình chọn công khai, minh bạch để có chính sách ưu tiên song hành. Đặc biệt, cùng với đó là giải toả vướng mắc về thủ tục đầu tư, bởi hiện nay còn quá phức tạp”, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc CTCP Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan kiến nghị.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2020, Thành phố sẽ tổ chức đợt bình chọn thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh TP.HCM.
Số lượng sản phẩm, doanh nghiệp được bình chọn cũng như Hội đồng bình chọn sẽ được công bố công khai, đánh giá minh bạch.
Qua đó, không chỉ nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp mà cũng là giá trị thương hiệu của TP.HCM. Cuộc bình chọn sẽ phát huy giá trị, đi vào chất lượng ngay từ khi bắt đầu thì doanh nghiệp mới đi theo, nếu không, doanh nghiệp sẽ chọn cách đi theo con đường của riêng mình.