Toàn cảnh buổi họp
Đây là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, diễn ra ngày 3/8.
Chuyển nhanh F0 trở nặng lên tuyến trên
Trao đổi tại buổi họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngoài việc tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân ở tầng 5 điều trị (điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch), Thành phố cũng tập trung triển khai đội vận chuyển các ca bệnh ở các tầng điều trị khác, từ tầng 1 đến tầng 4.
Trong đó cố gắng vận chuyển nhanh các ca F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà hoặc các F1 đang điều trị tại tầng 1 là các quận, huyện nhưng trở nặng lên trên, từ đó giải bài toán điều trị được ngay cho các bệnh nhân.
Ông Nam cho biết, ngày 2/8, một doanh nghiệp đã trao cho Thành phố 400 bình oxy trang bị trên các xe taxi để tạo điều kiện cho bệnh nhân được thở oxy trong quá trình chuyển đến bệnh viện. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ, đưa vào TP.HCM nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu điều trị cho bệnh nhân diễn biến nặng.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có hơn 100.500 trường hợp mắc Covid-19. Hiện thành phố có 924 bệnh nhân nặng đang thở máy và 8 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính đến 7 giờ ngày 3/8, đã có hơn 40.973 bệnh nhân được điều trị khỏi.
Trao đổi tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, vắc-xin là một trong những điều kiện quyết định, quan trọng để Thành phố đạt được tình trạng bình thường mới. Ngoài nguồn vắc-xin phân bổ, Thành phố chủ động xin chủ trương cho phép Thành phố bằng nguồn lực vận động, ngân sách chủ động tìm kiếm các nguồn vắc-xin.
UBND TP.HCM đã làm việc, ký hàng trăm ghi nhớ cam kết về cung ứng vắc-xin phòng Covid-19, nhưng đến nay, ngoài nguồn vắc-xin được trung ương cấp, Thành phố chưa nhận liều nào từ nguồn chủ động này.
Theo ông Mãi, cho đến nay, sau 15 đợt cấp, nhận và triển khai tiêm vắc-xin, Thành phố nhận 4 loại vắc-xin các loại. Các loại vắc-xin này đã được WHO cho phép lưu hành và được Bộ Y tế phê duyệt cho phép sử dụng ở Việt Nam.
Đến ngày 1/8, Thành phố đã nhận trên 2,5 triệu liều các loại và đã triển khai tiêm theo nguyên tắc minh bạch, tự nguyện. Về chất lượng, đến nay có thể đánh giá đảm bảo an toàn, tiến độ ngày càng nhanh hơn do cải tiến, rút kinh nghiệm, cải thiện năng lực tiêm.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Thành phố đạt mục tiêu tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, Thành phố đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu 300.000 liều/ngày.
Trong tháng 8, nếu đảm bảo nguồn cung, Thành phố sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng 70-80% dân số trên 18 tuổi.
"Thành phố đã sẵn sàng phối hợp công tư, phân quyền về cho quận huyện chủ động hơn. Với năng lực này, Thành phố đang tiếp tục gửi đề xuất trung ương tiếp tục phân bổ 5 triệu - 5,5 triệu liều để quyết tâm sớm nhất đạt miễn dịch cộng đồng", ông Mãi cho hay.
Không để bà con ở lại TP.HCM thiếu đói
Liên quan đến vấn đề người dân rời TP.HCM về quê, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đến ngày 20/7, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn, trong đó có chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương, nhất là địa phương đang giãn cách xã hội tăng cường quản lý người dân, hạn chế tối đa người dân di chuyển ra khỏi địa phương…
Theo tinh thần này, từ giữa tháng 7, TP.HCM đã nhận được đề nghị của các địa phương về việc đưa người dân về quê. Qua đó, Thành phố đã tổ chức đưa 7.023 người từ TP.HCM về các địa phương.
Theo ông Đức, gần đây có diễn ra tình trạng người dân tự ý về quê bằng xe máy gây ra những vấn đề mất an toàn phòng, chống dịch. UBND TP.HCM đã có công văn gửi các tỉnh thành để phối hợp chặt chẽ đưa người dân có nguyện vọng về quê.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, Thành phố sẽ nỗ lực, tạo mọi điều kiện cho người dân các địa phương lưu trú tại Thành phố duy trì cuộc sống, có điều kiện sống tốt nhất có thể.
Phó chủ tịch UBND Thành phố mong bà con không di chuyển tự phát về quê. Hiện nay các địa phương khác cũng đang thực hiện chỉ thị 16, việc bà con di chuyển sẽ gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính mình.
"Người dân cần hết sức bình tĩnh, Thành phố cam kết tạo điều kiện, hỗ trợ cho bà con trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội", ông Dương Anh Đức nói.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM |
Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, trong thời điểm các địa phương đồng loạt thực hiện chỉ thị 16, việc hàng triệu người di chuyển về quê sẽ gây khó khăn trong việc đón nhận. Đồng thời, việc này sẽ gây áp lực lớn cho công tác phòng, chống dịch của Thành phố và các địa phương. Do đó, ông Mãi đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại TP.HCM
"Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo chăm lo cho bà con khi lưu trú tại TP.HCM, chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Mãi cho biết, Thành phố cũng đã có chỉ đạo đến các địa phương, các tổ chức nắm bắt các đối tượng cần hỗ trợ, huy động tất cả nguồn lực, tổ chức các đội ngũ thông qua tổng đài để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Theo ông Mãi, gói hỗ trợ người dân theo nghị quyết 09 hiện nay có nhiều nhóm đối tượng chưa được hỗ trợ. Thành phố cũng đã yêu cầu các xã, phường, thị trấn nắm bắt các nhóm đối tượng như lao động, sinh viên, người khó khăn... trú trên địa bàn không có thu nhập để hỗ trợ.