Quận 7 sẽ tiếp tục khai thác lợi thế địa hình sông nước để phát triển du lịch.

Quận 7 sẽ tiếp tục khai thác lợi thế địa hình sông nước để phát triển du lịch.

TP.HCM: Quận 7 ra mắt sản phẩm du lịch đường thủy mới

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/12, hưởng ứng Tuần lễ Du lịch TP.HCM năm 2023, UBND quận 7 giới thiệu một số sản phẩm du lịch đường thủy mới và và ra mắt Câu lạc bộ thể thao dưới nước.

Du lịch đường thủy tại quận 7 gắn với bến tàu thủy Ngôi Sao Việt sẽ được định hướng là khu vực bến trung tâm và phát triển đa dạng những tuyến du lịch đường thủy như: Tuyến giao thông thủy về Nhà Bè, Cần Giờ; tuyến giao thông thủy kết nối với Đồng Nai qua tour Golf…

Ngoài ra, nằm trong chuỗi sự kiện, người dân và du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động mới lạ như cùng tô màu bức tranh Doodle quận 7, tham quan và check in không gian thông tin du lịch, chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc, giới thiệu và ra mắt cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch…

TP.HCM nỗ lực đưa sản phẩm du lịch đường thủy thành sản phẩm tạo sự khác biệt.

TP.HCM nỗ lực đưa sản phẩm du lịch đường thủy thành sản phẩm tạo sự khác biệt.

Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết, xác định tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ trong tương lai, địa phương xây dựng Đề án phát triển du lịch Quận 7 đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025 định hướng đến 2030 với nhiều nội dung phát triển du lịch khai thác lợi thế địa hình sông nước.

Cũng trong dịp này, ngành du lịch TP.HCM đã giới thiệu 17 sản phẩm du lịch đường thủy. Cụ thể, với nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ sẽ gồm 7 tuyến và nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới sẽ gồm 10 tuyến. Trong 17 tuyến, có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai…

Theo Sở Du lịch TP.HCM, kế hoạch đến năm 2025, TP.HCM sẽ khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô. Từ đó, số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm, doanh thu 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Đến năm 2030, ngành du lịch nỗ lực đưa du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, nâng tổng số tàu vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Trong đó, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đường thủy được đầu tư ngày càng phong phú với những tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế. Đồng thời góp phần thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức đa dạng giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch quốc tế và nội địa, vì đường thủy là một lợi thế, điểm mạnh của thành phố.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, thành phố có lợi thế có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với 101 tuyến, tổng chiều dài gần 1.000 km. Hiện nay, TP.HCM có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Bên cạnh đó, hiện TP.HCM có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp kinh doanh vận tải phương tiện thủy.

Tin bài liên quan