Nóng vì sai phạm xây dựng
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 của UBND TP.HCM cho biết, trong quý I, TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 742/826 trường hợp vi phạm (tăng 29,6% so với cùng kỳ), chiếm tỷ lệ 89,8% tổng số vi phạm; trong đó, xây dựng không phép 318/742 trường hợp, công trình sai phép là 283/742 trường hợp.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2019, Thành phố đã cấp 8.472 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ giảm 16%) với tổng diện tích sàn xây dựng 3.438.298,73 m2.
Trong đó, khu vực huyện Bình Chánh từ đầu năm 2019 nổi lên với tình trạng xây nhà không phép. Nở rộ nhất là tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, tình trạng xây nhà không phép trên đất nông nghiệp diễn ra phổ biến.
Tại đường Võ Văn Vân, tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ghi nhận một công trình xây dựng không phép được xây dựng chủ yếu vào ban đêm. Ban ngày dự án chỉ là một khu đất quây tôn, nhưng sau một đêm nhìn lại thì dự án đã có móng nhà. Rồi một tuần sau quay lại thì nơi đây đã thành một căn nhà xây thô đang hoàn thiện.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 60 trường hợp xây dựng không phép tại xã này.
Tới ngày 1/4, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi Công an TP.HCM, Thanh tra Sở Xây dựng và lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh yêu cầu phối hợp, xử lý tình trạng xây nhà không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.
Văn bản với nội dung về tình trạng xây nhà không phép trên đất nông nghiệp ở Bình Chánh, UBND TP.HCM chỉ đạo trong quá trình điều tra, kiểm điểm trách nhiệm, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định, nếu đủ điều kiện thì phải kiên quyết xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phải báo cáo kết quả xử lý cho UBND TP.HCM và Thường trực Thành ủy trước ngày 5/5/2019.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM, Công an huyện Bình Chánh nắm tình hình cán bộ, công chức móc nối, bao che, tiếp tay, thông đồng với các đầu nậu xây nhà không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh để xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, tới nay, tình hình xử lý với cán bộ các cấp để xảy ra tình trạng này vẫn chưa có bất cứ thông tin nào được công khai.
Mới đây nhất, căn nhà cấp 4 của ông Lê Ngọc Quí, Chánh Thanh tra quận Thủ Đức bị người dân tố xây dựng căn nhà nhỏ bên cạnh căn nhà 575/1 Kha Vạn Cân trên diện tích đất hơn 68 m2 nhưng không có giấy phép xây dựng. Tới ngày 7/4, ông Quí đã tháo dỡ căn nhà mà mình đã xây không phép sau khi báo chí thông tin và lãnh đạo quận Thủ Đức vào kiểm tra yêu cầu tháo dỡ.
Nóng chủ trương, nguội thực thi
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, các điểm nóng về xây dựng không phép nhiều nhất là ở các vùng ven. Do đó, Sở Xây dựng và các nơi để xảy ra xây dựng trái phép nhiều như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9... phải siết chặt công tác cấp phép và xử lý quyết liệt đối với các công trình sai phép, không phép.
Ngoài ra, ông Phong yêu cầu Sở Xây dựng phải hoàn chỉnh đề án thí điểm đưa thanh tra xây dựng về địa phương để việc kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm xây dựng đạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thực tế, cứ mỗi khi tình trạng sai phạm xây dựng, xây nhà không phép trên địa bàn được công bố, thì tức thì lãnh đạo các sở, ngành của TP.HCM lại ra văn bản chỉ đạo xử lý. Nhưng rồi sau đó, các đơn vị được chỉ đạo xử lý làm rất chậm, dần dần khi vấn đề nguội đi mới báo cáo và kết quả báo cáo cũng đơn thuần là rút kinh nghiệm.
Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, thực trạng xử lý các công trình sai phạm trên địa bàn TP.HCM đang là vấn đề khá nhức nhối, việc dư luận bức xúc trong suốt thời gian qua là vấn đề dễ hiểu.
Thứ nhất, trong công tác quản lý vẫn hình thành và tồn tại cơ chế xin - cho đã kéo theo buông lỏng trong quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện tượng làm ngơ của lực lượng cấp cơ sở, thậm chí xuất hiện tiêu cực, mối lái để làm ngơ thông qua “cò xây dựng”, ở cấp này mà chúng ta không có chế tài để xử lý vi phạm.
Thứ hai, trong quá trình xử lý sai phạm còn vướng nhiều đến thủ tục hành chính như vượt cấp, thẩm quyền, phạm vi xử lý, đối tượng xử lý… phải xin ý kiến cấp trên và chính trong thời gian chờ đợi cấp trên xử lý đã khiến cho vụ việc kéo dài, thậm chí phát sinh các hạng mục khác. Tất nhiên, lỗi này xuất phát từ cấp cơ sở do không giám sát chặt chẽ, buông lỏng quản lý, bao che cho hành vi sai phạm dẫn tới vụ việc dịch chuyển theo hướng phức tạp hay đặc biệt phức tạp.
“Những tồn tại thể hiện việc buông lỏng trong quản lý, tạo điều kiện cho các công trình sai phạm tồn tại theo kiểu “làm ngơ” ở một số cấp xã/phường, quận/huyện trên địa bàn Thành phố không phải là ít, những sự việc rõ như ban ngày, những công trình nhà ở kiên cố, nhà hàng, bãi xe… thì không được xử lý triệt để. Thế nhưng, có những công trình có giấy phép hẳn hoi và chỉ sai về hạng mục như tường rào, công trình phụ…, thì ngay lập tức bị xử phạt, cưỡng chế, thậm chí rút giấy phép, “treo giấy phép” vĩnh viễn đang là vấn đề bức xúc của dư luận”, luật sư Hùng nói.
Thực tế, theo luật sư Hùng, ở huyện Bình Chánh, tình trạng xây dựng trái phép hầu như năm nào cũng bùng phát, có những năm như 2010, có tình trạng cán bộ làm ngơ cho tình trạng xây dựng nhà trái phép ban đêm của người dân. Sau đó, báo chí vào phản ánh, tình trạng này tạm thời chìm xuống, báo chí không để ý tới thì lại bùng phát trở lại.
Liên quan đến tình trạng xây dựng không phép tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện cả hai xã Vĩnh Lộc A và B đều có tình trạng xây dựng không phép. Đặc biệt, tại xã Vĩnh Lộc A, chỉ riêng hai ấp 4 và 5A đã có 23 công trình xây dựng không phép, riêng tại hai tổ 11, 12, ấp 5A có tới 19 trường hợp, trong đó có 15 căn đã và sắp xây xong, còn lại là các nền đất đã được hoàn thiện phần móng.
Ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, ngày 15/2, đội thanh tra địa bàn phát hiện 7 trường hợp xây dựng không phép tại đây và đã báo về cho cán bộ phụ trách địa chính. Theo quy định, sau 96 giờ nếu xã không xử lý thì Thanh tra Sở sẽ xử lý. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin của đội thanh tra địa bàn, xã Vĩnh Lộc A đã không xử lý, dẫn đến việc phát sinh thêm hàng chục căn.
Lý giải về việc sau 96 giờ mà thanh tra chậm xử lý, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, do các công trình vi phạm đều nằm trên đất nông nghiệp, phải áp dụng Nghị định 102/2014 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở nên không thể xử lý.
“Chúng tôi cũng thừa nhận có chủ quan trong quá trình kiểm tra, giám sát địa bàn và sẽ có đề xuất kiểm điểm trách nhiệm”, ông Trường nói.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, ông không nghe cán bộ địa chính phụ trách địa bàn báo cáo kết quả kiểm tra của đội thanh tra địa bàn của Sở Xây dựng. “Chúng tôi sẽ về kiểm tra lại cán bộ phụ trách, đồng thời có hướng xử lý thích đáng”, ông Nhã cho hay.
Với những sự việc nêu trên, xem ra vẫn còn những lỗ hổng, buông lỏng quản lý, thực hiện theo cảm tính kiểu “Nóng chủ trương, nguội thực thi”, của chính quyền cấp cơ sở khi để những công trình sai phạm tồn tại trong nhiều năm nhưng không xử lý. Trong khi những công trình có phép chỉ sai về hạng mục, các công trình phụ lại được làm rốt ráo, thẳng tay, cưỡng chế… là hết sức cứng nhắc và thiếu công tâm.
Đặc biệt, nếu báo chí và người dân không phản ánh, tình trạng này luôn được thực hiện ngang nhiên mà chính quyền địa phương không hề “hay biết”!?.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com