TP.HCM: Người dân báo tin sự cố sẽ được khen thưởng

Người dân gọi đến tổng đài 1022 cung cấp nhiều thông tin hữu ích về sự cố hạ tầng sẽ được khen thưởng, những ai cung cấp tin giả để vụ lợi, gây rối sẽ bị xử lý.
Nhân viên tổng đài nhập liệu thông tin phản ánh người dân lên hệ thống máy tính.

Nhân viên tổng đài nhập liệu thông tin phản ánh người dân lên hệ thống máy tính.

UBND TP HCM đang xem xét đề xuất này, theo ông Lê Quốc Cường (Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM - đơn vị quản lý hệ thống tổng đài 1022). Đối tượng được khen thưởng là tổ chức, cá nhân trong năm gọi đến 1022 cung cấp nhiều thông tin đúng, có giá trị và đưa ra giải pháp.

Hiện, tổng đài 1022 tiếp nhận phản ánh 9 lĩnh vực: giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, điện lực, viễn thông, vận tải hành khách công cộng, tài nguyên môi trường, trật tự đô thị. Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên chuyển đến một trong 84 đơn vị có trách nhiệm xử lý.

Ngoài ra, TP HCM còn 6 kênh tiếp nhận phản ánh các vấn đề "nóng" của người dân thông qua hệ thống 1022: điện thoại và gửi tin nhắn đến số 1022, truy cập 1022.tphcm.gov.vn, gửi email, truy cập app 1022 và fanpage trên mạng xã hội.

Theo quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin của hệ thống 1022 được UBND TP HCM ban hành đầu tháng 5, trong 5 phút thông tin phải được chuyển đến các đơn vị liên quan xử lý và có kết quả phản hồi cho người dân trong vòng 5 ngày. 

Quá thời hạn này mà chưa xử lý xong, đơn vị phải phản hồi về tiến độ giải quyết, kèm hình ảnh và cam kết thời gian xử lý.

Trung bình mỗi tháng tổng đài 1022 tiếp nhận khoảng 4.600 phản ánh, trong đó 1.100 tin về sự cố hạ tầng kỹ thuật (gãy đổ cây, hư hỏng đường, hỏng hệ thống chiếu sáng...) giải quyết 800 vụ, chiếm 73%; hơn 3.500 phản ánh liên quan vận tải hành khách công cộng, xử lý hơn 3.400 vụ, chiếm 97%...

Theo ông Cường, quy chế mới quy định cụ thể hơn về thời gian giải quyết, trách nhiệm phản hồi và công khai kết quả đến người dân trên cổng thông tin 1022.

Việc ban hành quy chế nâng cao trách nhiệm xử lý các đơn vị liên quan đối với phản ánh người dân. Những đơn vị chậm phản hồi hay cố tình chây ỳ giải quyết phản ánh sẽ bị xử phạt, rút giấy phép dự án, công trình đang triển khai. Người đứng đầu đơn vị để xảy ra việc chậm xử lý phản hồi sẽ bị coi không hoàn thành nhiệm vụ và xem xét trách nhiệm cá nhân.

Định kỳ hàng quý, Sở sẽ tổng hợp báo cáo UBND thành phố và cung cấp thông tin cho Sở Nội vụ về tình hình tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin của các đơn vị tham gia hệ thống 1022.

"Sau hơn một tháng quy chế mới có hiệu lực với quy định chặt chẽ hơn về phối hợp xử lý, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, cổng thông tin 1022 có những chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã xử lý nhanh và đạt kết quả tốt hơn", ông Cường nói.

Tổng đài 1022 vận hành từ tháng 4/2013, sử dụng đầu số (08) 39.111.333 tiếp nhận phản ánh thông tin về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đến tháng 5/2015, Sở Thông tin và Truyền Thông dùng đầu số mới 1022 nhằm tạo thuận lợi người dân dễ ghi nhớ. 

Từ tháng 2/2016 đến nay, tổng đài tiếp nhận hơn 753.000 phản ánh về sự cố hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xe buýt, lượng tin nhắn phản ánh trung bình mỗi tháng là 4.000 tin.

Tin bài liên quan