TP.HCM nên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào ngành nào?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư đang dồn về TP.HCM đề xuất các dự án với công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng đất đai. Vấn đề đặt ra là Thành phố nên chú trọng thu hút đầu tư vào một số ngành “hot” hay nhiều ngành khác nhau.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án được TP.HCM đưa vào danh mục thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án được TP.HCM đưa vào danh mục thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Vốn lớn, cam kết giải ngân trong 5 năm là rất khó

TP.HCM đang triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào 3 lĩnh vực chính là đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; vi mạch bán dẫn, năng lượng sạch và đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Các doanh nghiệp muốn được đầu tư các ngành này phải đáp ứng được các điều kiện về quy mô vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực.

Đơn cử, với việc đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)…, dự án phải có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Hay đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, pin công nghệ mới, công nghiệp năng lượng sạch, thì dự án phải có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên.

Khi cơ chế đặc thù được ban hành, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đầu tư các dự án công nghệ cao tại đây. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các điều kiện đặt ra, thì còn khá nhiều vướng mắc, trong đó vấn đề phải giải ngân tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm là điều kiện khó nhất.

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), cho biết, theo Nghị quyết 98/2023/QH15, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư.

Trong quá trình triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp phản ánh, việc giải ngân số vốn rất lớn trong vòng 5 năm là điều kiện rất khó và sẽ ảnh hưởng đến việc các chủ đầu tư tham gia dự án lớn. Đơn cử, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, nên phải đầu tư thành nhiều giai đoạn. “Việc giải ngân hết tổng vốn này trong 5 năm là rất khó và làm giảm tính khả thi của dự án”, ông Tuấn Anh nói.

Tại buổi tọa đàm lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên tập trung thu hút đầu tư và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược diễn ra mới đây tại TP.HCM, còn nhiều ý kiến khác nhau của chuyên gia về việc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược không nên tập trung vào số tiền mà doanh nghiệp đầu tư. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của nhiều lĩnh vực, không chỉ dừng lại ở công nghệ số. Và mục tiêu cuối cùng cần hướng đến là doanh nghiệp Việt làm chủ được công nghệ sau 15 - 20 năm nữa.

Nên tập trung vào ngành nào?

Xét về yếu tố lâu dài, để đạt được mức tăng trưởng hai con số, ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Planners cho rằng, việc chọn nhà đầu tư chiến lược có nguồn vốn lớn, mang lại hiệu quả đầu tư cao, có cam kết dài hạn gắn bó với Thành phố là đúng. Tuy nhiên, Thành phố cũng phải có hướng mở cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mang lại hiệu quả cao.

Câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra là Thành phố nên tập trung thu hút vào những ngành “hot” như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo như Nghị quyết 98/2023/QH15 đặt ra, hay cần thu hút ở nhiều ngành khác nhau.

Đề cập việc thu hút đầu tư ngành đang “hot” nhất hiện nay là vi mạch bán dẫn, TS. Trần Du Lịch cho rằng, hiện Intel đầu tư vào TP.HCM cũng chỉ làm công đoạn đóng gói. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới chưa đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: liệu TP.HCM có cơ hội nào để thu hút nhà máy sản xuất chip hay không?

“Hiện nay, quy hoạch của tỉnh nào cũng định hướng thu hút đầu tư ngành vi mạch bán dẫn. Như vậy, Thành phố có thể hướng tới thu hút 100 công ty thiết kế chip hoặc có thể thu hút đầu tư ở công đoạn đóng gói”, ông Trần Du Lịch đề xuất.

Đồng quan điểm, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cần định vị Thành phố nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi vì để phát triển được ngành bán dẫn, thì phải có điện “sạch”, nếu có nhà đầu tư ngành này vào Thành phố thì phải liên kết vùng để mua điện “sạch”.

Hơn nữa, để xây dựng một nhà máy sản xuất chip, cần ít nhất 12 tỷ USD và nguồn điện lớn. “Theo tôi, Thành phố nên tiếp tục thu hút đầu tư ở công đoạn đóng gói chip và ở khâu thiết kế là khả thi”, ông nói.

Bên cạnh ngành vi mạch bán dẫn, tại TP.HCM đang nổi lên xu hướng thu hút đầu tư vào trung tâm dữ liệu. Chỉ riêng Trung tâm dữ liệu tại Lô T4-3 với diện tích 3 ha tại Khu công nghệ cao, có 7 nhà đầu tư muốn đầu tư. Trong đó, 6 nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi như Eaton (Hoa Kỳ); Evolution trực thuộc Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Hoa Kỳ); Hyosung (Hàn Quốc); NTT Data (Nhật Bản)…

TS. Trương Minh Huy Vũ cho rằng, dù không cần nhiều quỹ đất, nhưng trung tâm dữ liệu lại tốn rất nhiều điện. Vì vậy, Thành phố cần có quy hoạch và chính sách về đất đai, nguồn nhân lực, phát triển nguồn điện, thì mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm dữ liệu.

Tin bài liên quan