TP.HCM mời gọi 48 dự án, trị giá 9,415 tỷ USD vào Hóc Môn và Củ Chi

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM mời gọi các doanh nghiệp đầu tư cho 48 dự án vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD.
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố. Ảnh: Trọng Tín

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố. Ảnh: Trọng Tín

Chiều 12/4, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố vừa trải qua một năm 2021 đầy cam go và thử thách chưa từng có với đại dịch Covid-19. Để có được bình yên hôm nay là nhờ có sự đoàn kết, chung sức, trên dưới một lòng, "nhất hô bá ứng", cả nước vì thành phố, doanh nghiệp vì cộng đồng, mọi người cùng nắm tay nhau vượt qua nghịch cảnh.

Bí thư Thành ủy TP HCM gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành bạn, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đã từng sát cánh hỗ trợ, sẻ chia với lãnh đạo và người dân thành phố trong thời điểm khó khăn nhất.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội, Thành phố đã có lúc chấp nhận tăng trưởng âm đến hơn 6% vào cuối năm 2021 - một con số chưa từng có trong lịch sử của Thành phố.

Kinh tế TP.HCM bắt đầu tăng trưởng dương gần 2% trong quý I/2022 cùng với 1 số chỉ tiêu vượt quan trọng đạt và vượt, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi.

“Có thể nói, điều đó đã chứng tỏ một sức mạnh, một tinh thần đoàn kết của niềm tin và ý chí, của trí tuệ và bản lĩnh của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nên nói và đồng thời cho biết hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay mang 3 ý nghĩa.

Một là, thực hiện thực hiện kế hoạch hành động của thành phố.

Hai là, thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước cử tri thành phố, đặc biệt là cử tri 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi trước khi ứng cử.

Ba là, tạo cơ hội để các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục sứ mệnh cam kết đồng hành, thi đua thực hiện chiến lược phục hồi phát triển kinh tế thành phố.

“Như vậy, thông điệp của lần xúc tiến đầu tư này là nói phải làm, hứa phải giữ lời, làm thì làm đến nơi đến chốn”, ông Nên nói và đồng thời nhấn mạnh, đến với huyện Hóc Môn và Củ Chi, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Trình bày về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi trong quy hoạch chung TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố cho biết, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là hai huyện ngoại thành có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của TP.HCM; là cửa ngõ kết nối Thành phố với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 24), định hướng phát triển không gian Thành phố đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là theo hướng phụ phía Tây Bắc: lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Về phân vùng phát triển Thành phố, Quyết định 24 cũng xác định trong địa bàn 2 huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn - được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc Thành phố.

Về trục phát triển, cả hai huyện này nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách mạng tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan toả từ nội thành hiện hữu; tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh; có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng..., đặc biệt, từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km.

Đặc biệt, ở khía cạnh liên kết vùng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 22/12/2017, đã nhấn mạnh vai trò giữa TP.HCM với các địa phương thuộc các tiểu vùng xung quanh là mối liên kết giữa đô thị hạt nhân và các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển chuyên ngành.

Là mối quan hệ “cộng sinh” giữa “vùng công nghệ cao” với “vùng sản xuất công nghiệp” và “vùng nguyên liệu”, giữa “vùng phân phối, tiêu thụ sản phẩm” với “vùng sản xuất sản phẩm”. Do đó, điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố lần này cần đặt sự phát triển của Thành phố trong mối liên hệ chặt chẽ với các tỉnh trong vùng TP.HCM. Tính liên kết phải được chỉ ra ở các góc độ: liên kết về kinh tế; liên kết về phát triển các chức năng của đô thị; liên kết về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với những điều kiện như vậy, định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của Thành phố về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I (Vùng TP.HCM) phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài..., còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị.

"Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố", ông Nhã nói.

Trong đó, khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh, kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc đô thị hiện đại giữa quy hoạch chức năng khu đô thị mới và chức năng chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hình thành một đô thị đa chức năng có môi trường sống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố hiện nay, các đề án đang được xây dựng như phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, kinh tế dọc sông Sài Gòn, các hội thảo, diễn đàn đóng góp ý tưởng... được tổ chức đã đóng góp nhiều luận cứ, ý tưởng, giải pháp... quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nói chung và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn nói riêng.

Thông qua Hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỷ USD (tương đương 216,537 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông - kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỷ USD, tương đương 213,942 nghìn tỷ đồng; 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại – dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - văn hóa - thể thao.

Tin bài liên quan