Ông Shinichi Sakaki, Phó cục trưởng Cục Đô thị, Bộ Đất đai Hạ tầng Giao thông Du lịch Nhật Bản cho biết, các vấn đề hiện nay của TP.HCM giống Nhật Bản cách đây 50 năm trước, lúc đó dân số Nhật Bản tập trung ở các thành phố lớn nên gây ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước…
Khi đó, Chính phủ Nhật Bản giải quyết từng vấn đề một, những kinh nghiệm thành công đó hi vọng sẽ được áp dụng tại TP.HCM.
Đó là, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng để giãn dân dân từ các TP lớn ra vùng lân cận.
Khi hạ tầng được đầu tư, các nguồn vốn sẽ đổ về khu vực đó, từ đó hình thành nên khu dân cư, khu đô thị mới, một bộ phận dân sẽ di dời đến vùng đó; các vấn đề kẹt xe, ngập nước cũng được giải quyết.
Ông Shinichi Sakaki, Phó cục trưởng Cục Đô thị, Bộ Đất đai Hạ tầng Giao thông Du lịch Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay toàn TP.HCM có hơn 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung chủ yếu tại quận 8 (11.477 căn), quận Bình Thạnh (2.959 căn), quận 7 (2.055 căn), quận 4 (1.822 căn)…
Việc di dời hơn 21.000 căn nhà nêu trên được chia thành ba nhóm dự án. Nhóm thứ nhất là dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách.
Đây là các tuyến rạch nhánh, nhỏ, không thể thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn nhà đầu tư. Nhóm này có 52 dự án với quy mô di dời là 13.827 căn.
Dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2018, Thành phố sẽ di dời khoảng 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch (tập trung tại quận 4, 5 và 6).
Nhóm thứ hai là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị, quy mô di dời hơn 1.800 căn, tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng.
Việc thực hiện di dời và tái định cư nhà trên và ven các tuyến kênh rạch được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Nhóm thứ ba là dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Cụ thể, ông Kiên đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Nhật Bản 6 dự án chỉnh trang đô thị, với quy mô di dời hơn 6.200 hộ dân, kinh phí dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng.
Phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng BT.
Nhóm này Thành phố sẽ tổ chức công bố dự án, mời gọi nhà đầu tư tham gia với 6 dự án gồm di dời, tái định cư các hộ dân trên và ven bờ Nam kênh Đôi (quận 8); rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò vấp); dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng kỹ thuật rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh); rạch Cầu Dừa (quận 4); cải tạo cảnh quan hồ Song Tân (quận 7); chỉnh trang rạch Bần Đôn (quận 7).
Theo đó, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch (hoặc dự án khác) để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT.
Đồng thời, ông Kiên cũng công bố danh sách mời gọi đầu tư cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế 17 chung cư cũ, xuống cấp. Song song đó, kết hợp thực hiện xây dựng mới cụm chung cư Ngô Gia Tự và toàn khu C30 (quận 10) theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Tại hội thảo, nhiều đại diện doanh nghiệp bất động sản cũng đề xuất nhiều dự án nhằm góp phần chỉnh trang đô thị TP.HCM. Đơn cử, đại diện Tập đoàn Tuần Châu đề xuất quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn, huyện Củ Chi.
Theo đó, tập đoàn này đề xuất làm dự án đại lộ ven sông Sài Gòn từ trung tâm TP.HCM đến Củ Chi dài hơn 60 km mà không cần giải tỏa nhà dân.
Dự án này có thể sẽ khai thác được khoảng 20.000 ha đất ở Củ Chi, làm thành một thành phố mới để giãn dân về đây. Bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng và huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư Nhật Bản.