Ùn tắc giao thông, xe buýt trong vòng vây của phương tiện cá nhân
Trước đó vào 4/2017, Sở GTVT TP.HCM chọn đường một chiều Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn) và đường Võ Thị Sáu (từ vòng xoay Dân Chủ đến Đinh Tiên Hoàng) để thí điểm bố trí làn riêng cho xe buýt. Nếu thành công, TP sẽ triển khai trên các đường Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến khu du lịch Suối Tiên), Phạm Văn Đồng…
Theo ông Trần Chí Trung, hai trục đường Võ Thị Sáu - Điện Biên Phủ song song, ngược chiều nhau. Mỗi ngày có hơn 10.000 lượt hành khách đi lại...nên rất thuận lợi để thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt.
“Hiện đề án thí điểm làm làn đường ưu tiên cho xe buýt đã được thông qua chủ trương, bố trí vốn để trình dự án báo cáo kỹ thuật...”- ông Trung nói.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho rằng, khi làm làn ưu tiên sẽ tổ chức lại hạ tầng đi theo để đảm bảo phát huy hiệu quả của làn đường riêng cho xe buýt, đảm bảo ATGT xuyên suốt nên cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan.
“Lấy làn đường ưu tiên, ban đầu ảnh hưởng đến thói quen của người dân khi sử dụng phương tiện cá nhân nhưng đó là một xu thế. Chúng tôi đã tìm hiểu từ các nước phát triển vận tải hành khách công cộng, người ta ưu tiên nhất là làn đường cho xe buýt”- ông Trung cho hay.
Sau Tết 2018 sẽ triển khai
Nói về lộ trình thực hiện, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết dự kiến trong quý I/2018 sẽ thực hiện đề án thí điểm này.
Ông cho rằng thời điểm này đã cuối năm nên việc triển khai sẽ gặp khó khăn do nhu cầu đi lại của người dân đang tăng cao. Ngoài ra, người dân chưa được thông tin kịp thời, thói quen sẽ ảnh hưởng.
Trước câu hỏi về hiện trạng cơ sở hạ tầng thành phố (TP) đang thiếu như đường rất hẹp, khi triển khai sẽ gây bất cập gì không?
Ông Trần Chí Trung cho rằng đó là hiển nhiên vì đang đông xe mà dành mặt đường cho xe buýt sẽ gây ảnh hưởng, khó chịu cho người dân sử dụng phương tiện cá nhân. Do vậy, khi TP thực hiện sẽ có thông báo về lộ trình thay thế, tổ chức giao thông cả khu vực liên quan.
“Như tôi đã nói, khi xe buýt phát triển tốt. Người dân thấy được sự thuận lợi, thời gian đảm bảo thì giảm dần được phương tiện cá nhân, chọn xe buýt để đi. Do vậy, mật độ giao thông sẽ giảm dần giúp kéo giảm ùn tắc. Ban đầu triển khai sẽ rất khó khăn nhưng TP vẫn quyết tâm làm để phục vụ vận tải hành khách công cộng ngày càng tốt hơn”- ông Trung nhận xét.
Ông cũng cho biết các đơn vị liên quan đang khảo sát để có lộ trình, kế hoạch tổ chức lại giao thông thay thế hợp lý, thuận lợi cho người dân.
“Quan điểm của TP không cấm xe cá nhân nhưng tạo điều kiện để phát triển vận tải hành khách công cộng. Nếu loại hình này phát triển tốt thì người dân sẽ lựa chọn và dần dần sẽ hạn chế được xe cá nhân”- ông Trung khẳng định.