Tang vật một vụ cá độ bị thu giữ. Ảnh minh họa. (Ảnh: Bích Ân/TTXVN phát)
Ngày 24/11, tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Công an Thành phố đang mở đợt cao điểm đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, nhất là cá độ bóng đá, cờ bạc, tín dụng đen.
Đặc biệt, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đẩy mạnh tấn công, trấn áp các hành vi đánh bạc, cá độ, tín dụng đen; tập trung nắm tình hình, không để hành vi cá độ diễn ra ở các điểm xem bóng đá và không gian mạng.
Thực hiện chỉ đạo trên, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết các phòng nghiệp vụ và Công an địa phương đang rà soát, đấu tranh với các băng nhóm, địa điểm nghi vấn cá độ, cá cược; chú trọng việc kiểm soát, xử lý các hành vi cá cược, đòi nợ, quảng cáo mời chào cá độ, tín dụng đen trên không gian mạng.
Theo đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày 21-22/11, các lực lượng trên địa bàn đã phối hợp với cơ quan của Bộ Công an triệt phá một nhóm đánh bạc lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Cơ quan chức năng đã khám xét tám địa điểm tại sáu quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số tiền giao dịch để cá cược trong vụ việc này lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.
Đường dây này do người Việt Nam cầm đầu, đặt máy chủ tại Campuchia, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.
Đường dây được tổ chức với hình thức đánh bạc truyền thống, tín chấp và tham gia cá cược bóng đá trên các trang web cá cược như bongxxxx.com, Agbongxx.com.
Trước đó, ngày 20/11, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam 13 đối tượng làm việc cho Công ty tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mirae Assset (Quận 4) chuyên cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, với hàng chục đối tượng chuyên gọi điện khủng bố con nợ, người thân hoặc công ty nơi con nợ làm việc.
Về tiến độ cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, tính đến ngày 24/11, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận được hơn 5,7 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, Công an Thành phố đã tiếp nhận, trả hơn 5,1 triệu căn cước công dân, còn hơn 250.000 trường hợp cần cấp căn cước công dân gắn chíp từ nay đến hết năm 2022.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, người dân đăng ký cấp căn cước công dân gắn chíp sau ngày 1/1/2023 sẽ không bị xử lý khi căn cước công dân và chứng minh nhân dân cũ còn thời hạn.
Tuy nhiên, Công an Thành phố Hồ Chí Minh mong rằng người dân sẽ sớm đi làm căn cước công dân gắn chíp để thuận lợi trong việc giao dịch, việc kết nối dữ liệu của Bộ Công an và các bộ, ngành.