Những năm qua, TP.HCM đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào các công trình chống ngập trên nhiều tuyến đường, nhưng tình trạng ngập vẫn không giảm. Thậm chí, có nơi càng chống càng ngập khiến người dân đặt câu hỏi về hiệu quả của các công trình nâng đường, thay cống...
Đơn cử, dự án chống ngập tại đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) có kinh phí nâng đường, thay cống 163 tỷ đồng và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) với 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai tuyến đường này ngập vẫn hoàn ngập.
Tương tự, tại đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, dù được xây dựng thí điểm hồ điều tiết với dung tích hơn 100 m3, nhưng mỗi khi trời mưa lớn, đoạn đường ngay vị trí hồ điều tiết vẫn bị ngập nặng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, cập nhật năm 2016, trong trường hợp mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 17,8% diện tích TP.HCM và 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM (Trung tâm chống ngập), các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú)... tình trạng ngập do mưa đã được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế từ đầu mùa mưa đến nay, các tuyến đường này vẫn liên tục ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Có nơi nước ngập hơn nửa mét, từ ngoài đường vào hẻm, tràn vào nhà dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ tại đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ mưa là ngập. Thậm chí, gia đình ông và hàng xóm đã xây thềm ngăn nước nhưng khi mưa to nước vẫn tràn vào nhà.
“Thời gian qua thấy rào đường, làm cống tưởng đợt này hết ngập. Ai ngờ lại ngập nặng hơn”, ông Thành than thở.
Chung cảnh ngộ, chị Dung, chủ một cửa hàng trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh cho biết, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ngập nặng khiến cuộc sống của mọi người bị đảo lộn, hàng quán ế ẩm.
“Ngồi trong nhà mà cứ tưởng ngoài sông. Nước ngập đến nửa chiếc ghế nhựa cao nên tủ lạnh, quạt điện bị nước ngấm vào nên hỏng cả. Mấy quán cơm, quán nước bình thường đông khách nhưng khi mưa, nước tràn vào nhà là không ai dám ghé vào ăn uống”, chị Dung nói.
Ghi nhận của phóng viên, sau những trận mưa lớn, nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng cũng bị ngập tầng hầm. Tình trạng ngập úng ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của thành phố, trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Theo Báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, Thành phố hiện đang chịu nhiều áp lực trước tình trạng đô thị phát triển nhanh và tình trạng dân số ngày một tăng cao, dẫn đến quá tải về mật độ dân cư đô thị, hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước, gây ùn tắc giao thông và ngập úng khi có mưa lớn hoặc triều cường. Đồng thời, Thành phố đang đối mặt với các vấn đề về môi trường, sụt lún đất kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, mưa thất thường, xâm nhập mặn… dẫn đến ngập úng, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp.
“Trong thời gian tới, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố tại 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 thuộc lưu vực Trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước...”, báo cáo của UBND TP.HCM ghi rõ.
Tại buổi Hội thảo “Giải pháp tái sử dụng nước mưa, giảm thiểu ngập lụt các đô thị” mới đây, ông Hoàng Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Hà cho biết, người dân đang có suy nghĩ việc chống ngập là của Nhà nước, nên mỗi khi ngập lụt thì chỉ ứng phó bằng cách nâng nền nhà, xây công trình mới cao hơn mặt đường… Tuy nhiên, việc làm này chỉ mang tính chắp vá vì không thể nâng cả 1 thành phố lên được. Do đó, việc chống ngập, chống lụt cần phải xã hội hóa.
Theo ông Mạnh, nguyên nhân chính gây ngập lụt đô thị tại Việt Nam là do lượng nước mưa đổ xuống nhanh, nhiều, trên diện rộng. Trong khi đó, hệ thống thoát nước không đáp ứng công suất tiêu thoát nước. Quy hoạch thoát nước đô thị không đáp ứng nước đổ dồn từ khu vực cao về khu vực thấp nên bị ngập úng cục bộ.
Do đó, đại diện công ty Sơn Hà đưa ra giải pháp là khi xây dựng, mỗi hộ gia đình thiết kế bể ngầm chứa nước mưa để thu gom, trữ nước mưa từ mái nhà. Nguồn nước này sau đó sẽ được xử lý qua bộ lọc và có thể sử dụng để phục vụ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như tưới cây, rửa xe, xả toilet, giặt quần áo…
“Cơ quan chức năng cần ban hành Quy định bắt buộc các công trình ở đô thị phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước chảy về vùng trũng. Cần cấm một số dịch vụ kinh doanh không được sử dụng nước máy như rửa xe, tưới cây, rửa đường…”, ông Mạnh nói và cho biết thêm, phải coi nước mưa là nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác để sử dụng cho các hoạt động của con người.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com