Dự án Vành đai 2 - một trong 4 dự án không được HĐND Thành phố đồng ý đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi đất. Ảnh: Lê Toàn

Dự án Vành đai 2 - một trong 4 dự án không được HĐND Thành phố đồng ý đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi đất. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM loại 4 dự án khỏi danh mục cần thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Vành đai 2 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là hai trong 4 dự án chưa được HĐND đồng ý đưa vào danh mục dự án cần thu hồi đất.

Không chấp thuận thông qua danh mục 4 dự án cần thu hồi đất

Sáng 12/7, Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khoá X, quyết nghị thông qua danh mục 9/13 dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn mà UBND Thành phố trình.

Cụ thể, chấp thuận danh mục 4 dự án cần thu hồi đất đăng ký mới với diện tích thu hồi đất dự kiến là 22,28 ha.

Những dự án mới gồm: dự án tu bổ, tôn tạo, tái hiện, xây dựng mới di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (nơi Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh); dự án xây dựng cầu Dân Sinh (Vĩnh Lộc B, Bình Chánh); dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và trạm biến áp 500 kV Củ Chi và các đường dây đấu nối.

5 dự án cần thu hồi đất đã được thông qua theo danh mục dự án cần thu hồi đất tại các Nghị quyết của HĐND Thành phố nhưng đã quá thời hạn ba năm (so với kế hoạch sử dụng đất năm 2023) chưa có quyết định thu hồi đất, nay tiếp tục thực hiện việc thu hồi đất với diện tích thu hồi đất dự kiến là 13,29 ha.

Thời hạn để thực hiện việc thu hồi đất đối với các dự án được chấp thuận là ba năm theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được công bố tính từ kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.

Ngoài ra, HĐND Thành phố không chấp thuận thông qua danh mục 4 dự án khác với tổng diện tích do chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định, chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Trong đó, có hai dự án cần thu hồi đất đăng ký mới với diện tích thu hồi đất dự kiến 204,71 ha. Hai dự án cần thu hồi đất đã được thông qua theo danh mục dự án cần thu hồi đất tại các Nghị quyết của HĐND TP nhưng đã quá thời hạn ba năm năm (so với kế hoạch sử dụng đất năm 2023) chưa có quyết định thu hồi đất, nay tiếp tục thực hiện việc thu hồi đất với diện tích thu hồi đất dự kiến là 50,79 ha.

4 dự án không được thu hồi gồm: dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; xây dựng công trình chống sạt lở bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng; xây dựng Vành đai 2 Thành phố, đoạn từ cầu Phú hữu đến Xa lộ Hà Nội; nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ cầu xây dựng nút giao thông vành đai 2 (kể cả hạng mục cầu Xây Dựng).

Bố trí thêm 1.026 tỷ đồng làm dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Cũng trong sáng nay, HĐND Thành phố thông qua nghị quyết về điều chỉnh quy mô và nguồn vốn ngân sách Thành phố để tham gia triển khai thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài như đề xuất của UBND Thành phố.

Cụ thể, UBND Thành phố đề xuất HĐND xem xét, chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 có quy mô đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc.

Tăng chiều dài toàn tuyến lên khoảng 51,171 km. UBND Thành phố cho biết chiều dài tuyến tăng do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến qua khu vực kho đạn K75 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM và qua trận địa pháo binh thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải thống nhất.

Về tổng mức đầu tư (giai đoạn 1), UBND Thành phố cũng đề xuất tăng lên 21.527 tỷ đồng, trong đó: Chi phí xây dựng là 9.885 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng là 2.748 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 6.900 tỷ đồng (trên địa bàn TP.HCM là 5.395 tỷ đồng (giảm 506 tỷ so với 5.901 tỷ); trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.505 tỷ đồng (giảm 27 tỷ so với 1.532 tỷ); chi phí dự phòng là 1.994 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn tham gia dự án, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư dự án; Phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tổng mức đầu tư dự án.

UBND Thành phố cho rằng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn thực hiện, đẩy nhanh tiến độ trình duyệt chủ trương đầu tư dự án, triển khai xây dựng dự án theo tiến độ cam kết với Chính phủ.

Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND thành phố báo cáo HĐND Thành phố xem xét, quyết nghị thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô dự án và cho phép Thành phố bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố tham gia vào hỗ trợ cho công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP.

Việc tăng thêm này nhằm nâng cao tỷ lệ % góp vốn Nhà nước trong dự án, tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Số vốn này sẽ được bố trí và giải ngân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mà HĐND Thành phố đã thông qua.

UBND Thành phố cũng sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về phương án chi 2.900 tỷ đồng ở bước tiếp theo.

Như vậy, tổng vốn Ngân sách Thành phố cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỷ đồng, tăng 1.026 tỷ đồng so với phương án trình HĐND Thành phố trước đây; trong đó, 4.027 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và 2.900 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030.

Tại nghị quyết, HĐND giao UBND Thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về sự phù hợp, tính chính xác của các thông tin, số liệu trong hồ sơ trình chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định.

Đề nghị UBND Thành phố chỉ triển khai dự án khi có nguồn vốn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch tài chính 5 năm của Thành phố.

Khẩn trương thực hiện hoàn thiện thành phần hồ sơ tiếp thu, giải trình hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có hướng dẫn về phương án chi 2.900 tỷ đồng để thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo triển khai đầy đủ các quy trình, thủ tục.

Tin bài liên quan