Đại diện các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành ký kết hợp tác. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN).
Chiều 16/10, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.
Đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu chuỗi chương trình hành động của ngành du lịch sau khi việc chống dịch COVID-19 có những chuyển biến tích cực.
Theo kế hoạch này, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1-31/10/2021) Thành phố Hồ Chí Minh mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh dành cho khách du lịch đang sinh sống và làm việc trên địa bàn (có thể tự đi hoặc đi theo đoàn). Các cơ sở lưu trú và điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.
Ở giai đoạn 2 (từ ngày 1/11-31/12/2021), Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh, dành cho khách tự đi nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn.
Hoạt động lưu trú được phép ở 70% công suất; có thể mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...); đồng thời. điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 70%.
Còn trong giai đoạn 3 (trong năm 2022), Thành phố Hồ Chí Minh khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố Bộ Tài nguyên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 366 tài nguyên đã được hoàn thiện và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth.
Trong đó, có 13 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên tự nhiên, sinh thái; 225 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể; 8 hoạt động gắn với du lịch (tài nguyên du lịch phi vật thể) được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống và 120 điểm đến gắn với giá trị công trình nhân tạo.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh còn công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch thành phố: www.visithcmc.vn.
Đây là những nỗ lực không ngừng của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường chuyển đổi số và thực hiện đa dạng giải pháp du lịch thông minh, góp phần mang lại sức sống mới cho các điểm đến; cũng như truyền cảm hứng du lịch đến người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, sở và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố phối hợp phát động Chương trình 100.000 voucher (phiếu ưu đãi) du lịch Thành phố Hồ Chí Minh dành cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dù mới phát động nhưng chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp với tổng giá trị đợt 1 lên đến 48 tỷ đồng, gồm Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Saigontourist Group) trao tặng 15.000 phiếu quà tặng dịch vụ khách sạn và ăn uống với tổng giá trị 30 tỷ đồng.
Tập đoàn Vingroup trao tặng sản phẩm du lịch với tổng giá trị 10 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trao tặng sản phẩm du lịch trị giá 5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Masan trao tặng sản phẩm du lịch trị giá 3 tỷ đồng...
Đại diện doanh nghiệp trao tặng sản phẩm cho đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN). |
Ngoài ra, Traveloka Việt Nam sẽ đồng hành cùng ngành du lịch thành phố trong chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Shopee Việt Nam đồng hành cùng ngành du lịch thành phố triển khai sàn thương mại điện tử về du lịch.
Cùng với đó là sự liên kết, hợp tác giữa 30 doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và điểm đến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Những thỏa thuận hợp tác này được đánh giá là chìa khoá thúc đẩy ngành du lịch thành phố phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã biểu dương những nỗ lực của Sở Du lịch trong việc chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố và phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch phục hồi du lịch Thành phồ Hồ Chí Minh.
Đồng thời, bà nhấn mạnh, hoạt động phục hồi du lịch phải luôn đảm bảo nguyên tắc “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn” để tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn.
Trước mắt, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tổ chức lại mạng lưới điểm tham quan, tuyến phố, cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống... theo hướng đảm bảo an toàn, chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động kết nối nhiều tỉnh, thành trong phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa và thống nhất tiêu chí an toàn giữa các địa phương.
Bà Phan Thị Thắng đề nghị, trong thời gian tới ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu huy động được nhiều nguồn lực tham gia quá trình triển khai nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển thị trường du lịch.
Điển hình là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước cần tiên phong trong việc tăng cường sử dụng hình ảnh, cảnh quan của thành phố trong những hoạt động của đơn vị, chung tay quảng bá thành phố nói chung và du lịch nói riêng.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước cần chủ động tổ chức, khuyến khích tổ chức du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm sản phẩm du lịch của thành phố; vận động người lao động tăng cường trải nghiệm và quảng bá các điểm đến, văn hóa, ẩm thực thông qua hoạt động sinh hoạt thường ngày.