Cuộc họp nằm trong hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND Thành phố, không phải là cuộc họp tháo gỡ vướng mắc do chính quyền Thành phố tổ chức như mọi lần, nhưng vì có sự tham gia của doanh nghiệp bất động sản nên một số cơ quan truyền thông cũng lấy đó làm sự kiện “nóng”.
Các doanh nghiệp được mời tham dự gồm Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Nam Long, Công ty Resco, Công ty Sadeco và Công ty HDTC đều có dự án gặp vướng mắc trong việc cấp sổ hồng, thậm chí là vướng rất nhiều.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hưng Thịnh có 13 dự án với 8.791 căn hộ chưa được cấp sổ hồng và hầu hết vướng mắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất. Hay với trường hợp của Tập đoàn Nam Long, dự án chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) phải rà soát lại nghĩa vụ tài chính do UBND TP.HCM không mua lại 200 căn hộ tái định cư như kế hoạch ban đầu.
Được biết, giai đoạn 2003-2004, UBND TP.HCM có chủ trương mua lại quỹ nhà ở, đất ở để phục vụ tái định cư cho các dự án trọng điểm của Thành phố, đồng thời ban hành nhiều văn bản quy định về phương thức thanh toán và điều chỉnh các phương thức theo từng giai đoạn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng quỹ nhà phục vụ tái định cư. Ehome 3 là một trong những dự án được triển khai theo chủ trương này.
Sau này, UBND Thành phố không mua lại quỹ nhà ở nói trên, dẫn đến việc phải xác định có phát sinh hay không nghĩa vụ tài chính bổ sung với các dự án đã xây dựng theo chủ trương trước đó và đến nay, vẫn chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có) và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Tuy nhiên, dù có nhiều bức xúc và thắc mắc từ thực tế, các doanh nghiệp được mời đến tham dự chỉ với vai trò “dự khán” và không được phát biểu. Ngay khi mở lời trong phần điều hành, Ban chủ tọa đã gửi lời xin lỗi vì từ chối nhiều đại biểu và khách mời đăng ký phát biểu.
Phiên họp có 2 lượt hỏi - đáp và toàn bộ phần hỏi đều do các đại biểu HĐND thay mặt người dân, doanh nghiệp đưa ra, chẳng hạn 39 dự án vướng mắc do thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung trong năm 2023 có giải quyết cấp sổ hồng hết hay không? Cơ quan nào làm đầu mối giải quyết? Những trường hợp cụ thể như dự án Ehome 3 của Nam Long cũng là nội dung chất vấn lãnh đạo Thành phố và các sở, ngành…
Dẫu biết hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND thường xoay quanh các đối tượng: Người chất vấn là đại biểu HĐND và người bị chất vấn là lãnh đạo chính quyền, các sở, ngành và đơn vị có liên quan đến chủ đề chất vấn. Thế nhưng, tại phiên họp có sự xuất hiện của các doanh nghiệp - đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng, có quyền và nghĩa vụ liên quan do việc chậm trễ cấp sổ hồng - nếu được mời phát biểu để tự mình nói lên tiếng nói từ thực tế có lẽ sẽ khách quan hơn và phiên họp cũng trở nên sống động hơn.
Đáng chú ý nhất là số liệu báo cáo giữa chính quyền và HĐND có sự vênh nhau rõ rệt. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo trên địa bàn Thành phố có 335 dự án nhà ở thương mại với 191.101 căn đủ điều kiện cấp sổ hồng, trong đó 110.016 căn được cấp và 81.085 căn chưa được cấp. Tuy nhiên, HĐND Thành phố bằng những nguồn riêng ghi nhận chỉ có 208 dự án nhà ở thương mại đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ và nằm ngoài danh sách dự án theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường. Điều này đặt ra nghi vấn, số liệu của đơn vị nào đầy đủ và chính xác và điều đáng nói là với nhóm vướng mắc chưa được rà soát, thống kê, việc xem xét cấp giấy chứng nhận càng khó khả thi và không xác định được thời gian hoàn thành.
Bên cạnh những lấn cấn, cuộc họp cũng mang đến thông tin được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ, chẳng hạn chỉ đạo của Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ về mốc thời gian báo cáo kết quả thực hiện về thường trực HĐND Thành phố trước ngày 30/12/2023 để các đại biểu và cử tri giám sát.