Bán đảo Thủ thiêm được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế - tài chính mới của TP.HCM trong tương lai. Ảnh: Lê Toàn
Đó là một trong những kiến nghị mà UBND TP.HCM vừa gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tại buổi làm việc chiều nay (13/10), nhằm chuẩn bị cho trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Tuy nhiên, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn,...
Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như: cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai...
Do đó, Thành phố kiến nghị cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường… Trong đó, tập trung cơ chế chính sách phát triển thị trường tài chính quốc tế tại TP.HCM; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo; chính sách và cơ chế phát triển TP. Thủ Đức.
Đối với lĩnh vực tài chính, Thành phố xin cơ chế để huy động có hiệu quả các nguồn lực, đang còn nhiều dư địa để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như: quỹ đất đô thị hóa, nhất là giá trị gia tăng do nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng; thuế đối với bất động sản thứ 2 người dân đang sở hữu vì mục đích đầu tư; mặt bằng, bất động sản do Nhà nước quản lý sử dụng dôi dư; doanh nghiệp nhà nước do Thành phố quản lý và nguồn lực đầu tư tư nhân.
Nếu được thông qua, Thành phố kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong thời gian tới theo các nguyên tắc:
(i) những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho làm thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW và Kết luận số 21- KL/TW của Bộ Chính trị;
(ii) chỉ kiến nghị những cơ chế, chính sách đặc thù, với những nội dung không ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh;
(iii) không xin tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung hiện nay, mà xin cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư.
Tuy nhiên, để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi và an toàn khi thực thi, Thành phố kiến nghị cần cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội bằng một Nghị định của Chính phủ và những nội dung được điều chỉnh bởi Nghị định này, thì không điều chỉnh bởi các quy định khác.