TP.HCM không làm dự án cầu, đường Bình Tiên theo hình thức BT

0:00 / 0:00
0:00
UBND TP.HCM quyết định dừng thực hiện dự án cầu, đường Bình Tiên theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) để chuyển sang hình thức đầu tư khác.
Vị trí sẽ nối cầu Bình Tiên tại khu vực quận 6. Ảnh: Lê Toàn

Vị trí sẽ nối cầu Bình Tiên tại khu vực quận 6. Ảnh: Lê Toàn

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn về việc dừng thực hiện dự án cầu, đường Bình Tiên (nối quận 6, quận 8 với huyện Bình Chánh) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

UBND TP.HCM giao Sở Giao thông - Vận tải chủ động thông tin cho nhà đầu tư về chủ trương dừng thực hiện dự án. Việc thông báo cho nhà đầu tư hoàn thành trước ngày 20/9.

Sở GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan đề xuất phương án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên để tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trước ngày 30/9.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, dự thảo công văn của UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc dừng thực hiện dự án. Dự thảo hoàn thành trước ngày 25/9.

Dự án cầu, đường Bình Tiên (gồm đường dẫn) dài khoảng 3,2 km, rộng 30-40 m với 4 làn xe. Điểm đầu dự án từ nút giao Bình Tiên - Phạm Văn Chí (quận 6), và điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2011 theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 2.382 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Năm 2016, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng tách dự án thành hai phần độc lập, gồm đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến Tạ Quang Bửu dài 1,4 km, kinh phí đầu tư 1.853 tỷ đồng và đoạn từ Tạ Quang Bửu đến Nguyễn Văn Linh, dài 1,8 km, kinh phí hơn 750 tỷ đồng.

Năm 2018, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên thành 2.607 tỷ đồng và ký thỏa thuận đầu tư theo hình thức BT với 4 nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến năm 2020 Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó bỏ hình thức đầu tư BT ra khỏi luật.

Sau đó, TP.HCM tạm dừng thực hiện dự án để rà soát lại pháp lý của dự án. Qua rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhận thấy, do quy định pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư BT có nhiều thay đổi, nếu áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thì chưa đảm bảo về pháp lý.

Ngoài ra, việc sử dụng ngân sách TP.HCM để hoàn trả kinh phí giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư tạm ứng là không phù hợp Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND TP.HCM dừng thực hiện dự án theo hình thức BT để nghiên cứu các hình thức đầu tư khác.

Tin bài liên quan