Hiện trường vụ tai nạn xảy ra vào rạng sáng ngày 3/11
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã yêu cầu UBND quận Thủ Đức chủ trì, phối hợp với Công an quận và các Sở ban ngành khẩn trương điều tra vụ sập cầu vượt bộ hành Suối Tiên. Đồng thời, khi có kết quả điều tra chính thức, Sở Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Thanh tra Sở xem xét xử phạt đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến sai phạm trên theo quy định pháp luật.
Trước đó, rạng sáng 3/11, sau khi đơn vị thi công vừa hoàn thành việc lắp đặt hai dầm cầu bộ hành số 1 vào lúc 1 giờ sáng thì 3 tiếng sau, một chiếc xe container lưu thông hướng theo hướng từ Biên Hòa vào TP.HCM đã va vào dầm cầu khiên cầu bị sập. Sau vụ va chạm, 1 dầm rơi xuống nằm vắt ngang trên thùng container và 1 dầm nằm ngang mố cầu. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, nhưng làm hư hỏng 1 dầm cầu và làm biến dạng thùng container.
Thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, cầu vượt bộ hành Suối Tiên thuộc dự án nút giao thông Đại học Quốc gia do Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư. Dự án sau đó được bổ sung vào hợp đồng BT mở rộng Xa lộ Hà Nội do CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) tiếp nhận để giảm gánh nặng cho ngân sách. Chiều cao thực tế cầu vượt bộ hành Suối Tiên thấp hơn chiều cao tiêu chuẩn từ 0,16-0,31m (chiều cao tiêu chuẩn 4,75m). Nhiều đơn vị gồm chủ đầu tư, đơn vị thi công... đã nhận trách nhiệm về việc xây cây cầu thấp hơn thiết kế.
Hiện Công an quận Thủ Đức đang điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ sập cầu bộ hành và cam kết sau khi có kết quả thì Sở GTVT sẽ có báo cáo chính thức và xử lý nghiêm. Toàn bộ chi phí khắc phục sẽ do chủ đầu tư chi trả. Đồng thời, sau khi sự cố xảy ra, Sở cũng đã yêu cầu và thay thế ngay chỉ huy trưởng công trường, giám sát, tư vấn giám sát hiện trường.
Nói về việc khắc phục tại cầu vượt bộ hành Suối Tiên, đại diện CTCP Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, đang lập 2 phương án khắc phục trình Sở GTVT. Phương án thứ nhất là nâng cao mố trụ cầu để đạt độ tĩnh không 4,75 m theo tiêu chuẩn và phương án 2 là hạ cốt nền mặt đường.
“Phương án nâng mố trụ cầu bộ hành sẽ rút ngắn thời gian và ít ảnh hưởng phương tiện lưu thông trên đường. Trong khi đó, nếu áp dụng phương án 2 là hạ cốt nền mặt đường sẽ tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.