TP.HCM: Kêu gọi đầu tư dự án giết mổ gia súc rồi đẩy doanh nghiệp tới bờ vực (Bài 3) - Doanh nghiệp có “sống” cũng khó “thọ”

0:00 / 0:00
0:00

Việc TP.HCM phê duyệt quy hoạch điều chỉnh xây dựng đô thị của khu dân cư xã Tân Phú Trung, kề ngay Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ khiến doanh nghiệp có “sống” cũng khó “thọ”.

Máy móc phục vụ dây chuyền giết mổ gia súc của Công ty An Hạ nhập về phải "nằm kho" từ năm 2018.

Máy móc phục vụ dây chuyền giết mổ gia súc của Công ty An Hạ nhập về phải "nằm kho" từ năm 2018.

Tin tưởng cơ quan chức năng TP.HCM về kêu gọi tạo điều kiện xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại để cung cấp nguồn thịt an toàn cho người dân, một doanh nghiệp đã huy động cả vốn cá nhân và của người thân làm dự án. Kết cục giờ này, doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản bởi thủ tục “hành là chính” đến kinh hoàng và “động tác lạ” tước đi quyền lợi chính đáng của họ.

Bài 3: Doanh nghiệp có “sống” cũng khó “thọ”

Năm 2019, TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/2.000 điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của khu dân cư xã Tân Phú Trung (Củ Chi) kề ngay Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ, đẩy Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ vào nghịch cảnh, nếu Dự án được tiếp tục thực hiện sẽ đối diện với nguy cơ khiếu kiện của cư dân.

Bộ làm khổ địa phương

Kiệt quệ vì vướng đất xen kẹt, đứng bên bờ vực phá sản vì bị tước quyền lựa chọn hình thức thuế đất (bị buộc đóng tiền thuê đất hàng năm, thay vì đóng tiền 1 lần cho cả thời gian thuê) chưa phải tất cả nỗi thống khổ mà Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Công ty An Hạ) phải gánh chịu. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ nói, kể cả khi được đóng tiền thuê đất 1 lần, thì Dự án của Công ty có “sống” cũng… khó “thọ”, bởi quy hoạch sau “diệt” quy hoạch trước.

Tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, ngày 27/7/2017, UBND TP.HCM ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty An Hạ thực hiện Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ. Đây là quy hoạch địa điểm các nhà máy giết mổ công nghiệp thuộc giai đoạn từ ngày 30/11/2010 đến ngày 20/12/2017 của chính quyền TP.HCM, áp dụng Thông tư số 60/2010 và Thông tư số 61/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Theo đó, điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm là: “theo quy hoạch của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”, “cách biệt với khu dân cư, xa các trang trại chăn nuôi và nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nhà máy thải bụi, hóa chất độc hại, quốc lộ)”.

Nhưng sau đó, Bộ NN&PTNT ra Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y (gọi tắt là Thông tư số 13/2017), có hiệu lực từ ngày 20/12/2017, trong đó quy định: việc quy hoạch địa điểm các nhà máy giết mổ công nghiệp “phải cách biệt tối thiểu 500 m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt”.

Trước quy định gây phá vỡ quy hoạch các dự án nhà máy giết mổ gia súc đã được duyệt trước đó, chính quyền địa phương và nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng. Tới năm 2019, trên công luận, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM còn “bức xúc” cho rằng, quy định này ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch khu vực xung quanh các dự án nhà máy giết mổ đã có. Bởi lẽ, để đảm bảo quy định trên, mỗi khu đất quy hoạch dự án nhà máy giết mổ công nghiệp cần có diện tích tối thiểu 78,5 ha. Như vậy, chủ đầu tư phải có quỹ đất và nguồn vốn rất lớn, thì mới có thể đầu tư dự án nhà máy giết mổ công nghiệp. Điều này là không khả thi nếu xem xét thực trạng đất đai tại TP.HCM hiện nay.

Thậm chí, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM còn cho rằng, nếu áp dụng quy định trên, thì các khu vực trong vòng bán kính 500 m từ nhà máy giết mô gia súc không thể phát triển đô thị, gây lãng phí đất đai và gây bức xúc cho người dân có nhà, đất nằm trong khu vực này.

Lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao nhiều sở, ngành phối hợp tham mưu, dự thảo công văn của UBND Thành phố báo cáo Bộ NN&PTNT đề xuất điều chỉnh Thông tư số 13/2017 để phù hợp với tình hình pháp lý, đảm bảo tính khả thi và thực tiễn quy hoạch đã có từ trước của TP.HCM.

Địa phương “chuyển lửa” cho doanh nghiệp

Đến thời điểm này, Thông tư số 13/2017 vẫn đang có hiệu lực, tức là, các nhà máy giết mổ gia súc phải cách xa khu dân cư, nơi công cộng 500 m. Nhưng tháng 2/2019, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/2.000 điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của khu dân cư xã Tân Phú Trung (Củ Chi).

Trong lá đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, Công ty An Hạ nêu, TP.HCM đã đưa khu dân cư đô thị áp kề Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ, không đủ khoảng cách 500 m theo quy định. Điều này có thể dẫn tới hệ quả là, nếu Dự án “sống sót”, thì cũng khó “thọ”, bởi sẽ phải chịu áp lực khiếu kiện sau này của cư dân.

Cần phải nói thêm rằng, ngay tại huyện Củ Chi, trước đây, chính quyền huyện từng kiến nghị “trục xuất” Dự án Nhà máy giết mổ công nghiệp của của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), dù dự án này đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương vào tháng 6/2006 và đã xây dựng tường rào bao quanh từ năm 2012. Lý do, theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, dự án này chậm triển khai, lại gần nhiều trường học, thuộc khu thị tứ nhiều dân cư...

Khốn khổ với kiểu “đáp ứng” luật của địa phương

Quay trở lại với câu chuyện của Công ty An Hạ. Trong Tờ trình dự thảo về “Đề nghị phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư xã Tân Phú Trung (được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2019), Sở Quy hoạch - Kiến trúc đưa luôn phần diện tích gần 13.000 m2 vào đất cây xanh để tạo khoảng cách cách ly cơ sở giết mổ với khu dân cư. Trong khi đó, Công ty TNHH An Hạ cho rằng, diện tích này thuộc Dự án Nhà máy giết mổ gia súc giai đoạn 2 (ngoài diện tích hơn 30.000 m2 được phê duyệt ban đầu).

Cụ thể, theo chính báo cáo của UBND huyện Củ Chi, thì từ năm 2017 (trước khi có phê duyệt khu dân cư Tân Phú Trung), UBND huyện Củ Chi đã thống nhất địa điểm khu đất nêu trên cho Công ty An Hạ để làm khu cây xanh cách ly với khu vực xung quanh. Đồng thời, trong bản Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của huyện Củ Chi đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thẩm định, UBND huyện Củ Chi đã cập nhật mở rộng Dự án của Công ty An Hạ với quy mô gần 13.000 m2.

Với diện tích đất mở rộng này, doanh nghiệp đã lên phương án xây dựng các hạng mục chính nhà máy ở khu hơn 30.000 m2, bổ sung kho lạnh, pha lóc, đóng gói để đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát, hướng đến chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao, đồng thời đảm bảo tỷ lệ cây xanh cách ly cho nhà máy (20 - 25%) theo yêu cầu.

Ngày 22/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của Dự án với phạm vi: “Dự án Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, công suất 3.240 gia súc/ngày, xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 48.432,04 m2 (bao gồm hơn 13.000 m2 mở rộng - PV; diện tích cây xanh cách ly là 14.152,68 m2)”.

Thế nên, với đề xuất đưa gần 13.000 m2 nêu trên vào quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, sẽ biến phần diện tích gần 13.000 m2 đã chấp thuận cho Công ty An Hạ triển khai Dự án giai đoạn 2 thành “cây xanh công cộng” của toàn bộ khu vực.

Điều này có nghĩa, Công ty An Hạ không được sử dụng phần diện tích trên để phân bổ làm cây xanh cho nhà máy, tức là không đáp ứng được tiêu chuẩn cây xanh theo quy định.

Tình huống này buộc Công ty phải trừ đi 20 - 25% từ tổng diện tích hơn 30.000 m2 để làm cây canh cách ly. Và như thế, nhà máy chỉ còn mỗi nhà xưởng giết mổ, khu xử lý nước thải, còn khu kho lạnh chứa thịt mát phải xây dựng ở… nơi khác, vì không đủ diện tích; còn nếu tiếp tục triển khai, khả năng cao là Nhà máy chỉ có thể “sống” tạm bợ.

Vì vậy, ngày 22/1/2019, khi được Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Củ Chi mời làm việc, yêu cầu không được triển khai xây dựng trên phần đất gần 13.000 m2, ngay ngày 23/1/2019, Công ty An Hạ đã làm đơn gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc “xin hỗ trợ” điều chỉnh quy hoạch cây xanh cách ly khu dân cư đi nơi khác, để Công ty triển khai dự án, nếu không, doanh nghiệp “hết đường sống”.

Nhưng tháng 2/2019, UBND TP.HCM vẫn phê duyệt quy hoạch 1/2.000 điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị của khu dân cư xã Tân Phú Trung theo dự thảo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Cực chẳng đã, tháng 4/2019, Công ty An Hạ phải “lùi một bước”, làm đơn đề nghị được giảm kích thước chiều ngang, tăng kích thước chiều dài của xưởng pha lọc, đóng gói chế biến để dành diện tích bố trí mảng cây xanh ở khu vực giáp ranh nhà máy cách ly, nhằm đảo bảo diện tích cây xanh không thay đổi so với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã được duyệt trước đó.

Tại Văn bản số 5341/UBND-TNMT, ngày 2/5/2019, UBND huyện Củ Chi cũng cho rằng, nếu Công ty điều chỉnh mà đảm bảo mật độ cây xanh 20 - 25%, sẽ không ảnh hưởng về bảo vệ môi trường theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đã duyệt. Từ đó, UBND huyện Củ Chi đề nghị doanh nghiệp liên hệ cơ quan chuyên môn để được cho ý kiến.

Ngày 10/6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Văn bản số 4425 chấp thuận đề xuất trên của Công ty An Hạ.

Song, để bố trí xưởng pha lọc, đóng gói chế biến như vậy, phải điều chỉnh lại cục bộ khu đất mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc đưa vào làm cây xanh cách ly khu dân cư đã được UBND TP.HCM phê duyệt.

Về vấn đề này, ngày 21/10/2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản 4866 “thẳng thừng” trả lời UBND huyện Củ Chi là “không có cơ sở để xem xét”.

Gánh trên vai món nợ cả trăm tỷ đồng cùng nhà máy “đắp chiếu”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm vẫn đang mỏi mòn đi kêu cứu.

Thời hạn dẹp lò giết mổ thủ công liên tục “phá sản”

Năm 2016, UBND TPHCM có Quyết định số 2032 phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động và toàn bộ được đưa vào 6 nhà máy giết mổ gia súc trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhưng kế hoạch này đã bị phá sản.

Sau đó, kế hoạch tiếp tục được gia hạn đến ngày 30/9/2019. Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, khi thực hiện dự án, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý và mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện so với kế hoạch đã đề ra. Từ đó, sở này kiến nghị và UBND TP.HCM đã chấp thuận gia hạn thời gian hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện hữu trên địa bàn Thành phố đến ngày 31/12/2020.

Tin bài liên quan