TP.HCM "kêu" gặp khó ở hàng loạt dự án ODA, trường học

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM gặp khó khăn ở hàng loạt dự án như tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương, Dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2, các dự án trường học...
TP.HCM kêu khó áp dụng định mức đất bình quân/học sinh theo quy định Bộ Giáo dục Đào tạo

TP.HCM kêu khó áp dụng định mức đất bình quân/học sinh theo quy định Bộ Giáo dục Đào tạo

Báo cáo với Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND TP.HCM cho hay, gặp nhiều khó khăn vướng mắc tại nhiều dự án ODA.

Cụ thể, tại trong quá trình triển khai cập nhật dự toán gói thầu Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương, đã phát hiện một số công tác đặc thù của dự án chưa có trong hệ thống định mức được ban hành. Tháng 4 và 11 năm 2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố đã có 2 văn kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét và sớm có ý kiến để làm cơ sở cập nhật dự toán gói thầu của Dự án. Tới tháng 5/2023, UBND TP.HCM cũng đã có Công văn số 2282/UBND-TH báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vấn đề tới nay chưa được giải quyết.

Vì vậy UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét và sớm có ý kiến vấn đề trên và kiến nghị Bộ tài chính xem xét hướng dẫn thu xếp Thỏa thuận vay 3 cho gói thầu CS2B và thực hiện thủ tục gia hạn Thỏa thuận vay 1, 2 đã ký với KFW sau khi UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án.

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương

Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương

Khó khăn tiếp ở Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự án có hạng mục hệ thống pin năng lượng mặt trời gồm 3 hệ thống pin độc lập, mỗi hệ thống pin có công suất nhỏ hơn 1 MW, kết nối độc lập với các trạm biến áp riêng biệt và tự dùng cho Nhà máy.

Để có cơ sở tiến hành các thủ tục thẩm định và phê duyệt hạng mục Hệ thống pin mặt trời, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án theo cam kết của UBND TP.HCM với Ngân hàng Thế giới, từ tháng 12/2022 và tháng 4/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố đã liên tiếp có các công văn (kèm hồ sơ thiết kế kỹ thuật của hạng mục Hệ thống pin mặt trời) gửi Bộ Công Thương xem xét, có ý kiến.

Tuy nhiên TP.HCM vẫn chưa nhận được phản hồi để triển khai, đảm bảo cam kết.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng sửa chữa trường học tại TP.HCM cũng gặp vướng bởi quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều kiện cơ sở vật chất theo các tiêu chí tối thiểu.

Cụ thể, theo UBND Thành phố, việc áp dụng điều kiện cơ sở vật chất theo các tiêu chí tối thiểu quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT để tính phương án quy mô đầu tư các công trình nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới thay thế hiện trạng sẽ làm giảm quy mô học sinh hiện tại ở các trường TP.HCM. Từ đó sẽ dẫn đến không đảm bảo chỗ học cho học sinh và giảm suất vốn đầu tư công trình.

Mặt khác, định mức diện tích đất bình quân tối thiểu/học sinh cao, trong khi điều kiện đặc thù của TP.HCM dẫn tới rất khó khăn trong đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành khác có liên quan để thống nhất về chỉ tiêu định mức diện tích đất bình quân tối thiểu học sinh, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; đồng thời phù hợp với đặc thù của Thành phố như chỉ áp dụng tiêu chí định mức đất bình quân/học sinh cho đầu tư xây dựng trường mới trên vị trí đất mới, không áp dụng cho các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới thay thế các trường học hiện hữu...

Tin bài liên quan