Ngày 15/9, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả sơ bộ khảo sát Đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh).
Cuộc họp diễn ra với hình thức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, USAID Việt Nam và đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, Cục Hàng Hải-Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn,và các cơ quan cảng vụ.
Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát sơ bộ nhằm xây dựng Đề án giảm ùn tắc và tạo thuận lợi thương mại tại cảng Cát Lái.
Nghiên cứu sẽ xem xét một cách tổng thể các hoạt động và nghiệp vụ hải quan tại cảng nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động, các nút thắt, vướng mắc, thời gian lưu bãi. Đồng thời, đề xuất các chiến lược và giải pháp.
Kế hoạch này dự kiến sẽ xác định những cách thức để giảm thiểu ùn tắc; trong đó, có thể đề xuất bố trí mới hoặc mở rộng cơ sở vật chất cũng như đưa ra các giải pháp về công nghệ thông tin có thể thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, sau một thời gian phối hợp triển khai, đã khảo sát được góc nhìn khách quan từ các chuyên gia trong và ngoài nước đối với dự án nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Với tinh thần cầu thị, luôn luôn lắng nghe và liên tục cải tiến, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh sẽ củng cố thêm các luận chứng mang tính khoa học để phục vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại một cách triệt để, mạnh mẽ hơn nữa.
Ghi nhận nỗ lực của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh qua việc triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam hy vọng đề án sẽ được triển khai nhân rộng; đồng thời cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề án, góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhận định tầm quan trọng của việc tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế, cũng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong hoạt động tạo thuận lợi thương mại, nhằm giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, từ năm 2019, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình đột phá để tạo thuận lợi thương mại, chủ trì xây dựng và triển khai “Đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái.”
Đề án đã thực hiện các mục tiêu cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp; giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng; nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Cùng đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững; nâng cao thứ bậc về Chỉ số hiệu quả logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.
Với những ưu điểm trên, theo ông Đinh Ngọc Thắng, đề án thực sự là bước đột phá mới thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Cục Hải quan thành phố, cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải cách nhanh, hiện đại hóa mạnh, xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính 5.000 tỷ đồng/năm; nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận.
Cảng Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác với công suất đạt hơn 5 triệu TEUs vào năm 2019, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại Thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ trung bình từ 13-14.000 containers/ngày.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tăng hơn 10%/năm, tuy nhiên các chính sách kiểm tra chuyên ngành, thủ tục liên quan đến giao nhận hàng hóa gặp nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông, kho, bãi, cảng chưa đáp ứng được công suất lưu thông hàng hóa./