Cầm được sổ hồng trên tay là một niềm ao ước tại nhiều dự án, cho dù đây là quyền lợi chính đáng của người mua nhà.

Cầm được sổ hồng trên tay là một niềm ao ước tại nhiều dự án, cho dù đây là quyền lợi chính đáng của người mua nhà.

TP.HCM: Hơn 35.000 căn hộ ngóng sổ hồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại, TP.HCM đang có hàng chục ngàn căn hộ chung cư chưa thể cấp sổ hồng vì nhiều vướng mắc khác nhau.

Mái ấm “một nửa”

Đã hơn 10 năm kể từ khi mua căn hộ hiện tại, mỗi lần nhận được thông tin UBND TP.HCM họp gỡ vướng hoặc ban hành kế hoạch cấp sổ hồng cho các dự án chung cư trên địa bàn Thành phố, chị Tâm cùng hàng chục cư dân sinh sống tại chung cư Ruby Garden (quận Tân Bình) lại khấp khởi mừng thầm.

Vậy nhưng, hết lần này tới lần khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho cư dân nơi đây vẫn chưa được giải quyết.

“Sống trong căn hộ của mình nhưng rất bất an khi không có sổ hồng. Vì hôm nay nghe họp, mai nghe quyết tâm gỡ vướng khiến ai nấy đều mừng thầm, nhưng rồi lại thất vọng vì phải tiếp tục chờ”, chị nói và cho rằng, nhà thì phải có sổ, nhà không sổ như mái ấm chỉ mới trọn vẹn một nửa.

Cho đến giờ này, mỗi khi nhắc đến “sổ hồng”, người ta lại nhớ đến vụ kiện “kinh điển” của một cư dân tại chung cư Lexington Residence (TP. Thủ Đức), kiện Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cách đây gần 10 năm.

Chuyện là, đầu năm 2015, bà Nguyễn Vinh Trang ký hợp đồng mua một căn hộ tại chung cư Lexington Residence do Công ty cổ phần Bất động sản Nova Lexington làm chủ đầu tư. Sau đó, dù thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng, bà Trang cùng các cư dân và cả chủ đầu tư nhiều lần kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố xem xét, giải quyết.

Cuối năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có công văn đề nghị chủ đầu tư cung cấp hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố để thực hiện việc cấp sổ hồng cho người dân mua căn hộ ở với phần diện tích sử dụng chung là hơn 16.000 m2.

Đến giữa tháng 3/2021, hồ sơ của bà Trang và các hộ dân khác được Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố tiếp nhận. Tuy nhiên, khi quá thời hạn giải quyết, bà Trang và các cư dân… vẫn phải chờ. Đến tháng 4/2022, thấy mọi việc không tiến triển, bà Trang khởi kiện Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố, đề nghị Tòa án nhân dân TP.HCM buộc cơ quan này cấp sổ hồng cho căn hộ của bà.

Tại phiên xử sơ thẩm vào ngày 20/3/2024, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn, lý do bởi cơ quan có trách nhiệm cho rằng, Công ty Nova Lexington chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn dự án, nên chung cư Lexington Residence chưa đủ điều kiện cấp sổ hồng.

Một trường hợp khác là hàng trăm căn hộ chung cư The Harmona, quận Tân Bình, sau hơn 10 năm người dân nhận nhà vào sinh sống nhưng cũng chưa được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung cho dự án.

Muốn hoàn tất khâu này phải xác định được giá đất, nghĩa vụ tài chính và cần đến đơn vị tư vấn thẩm định giá. Tuy nhiên, dù Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã nhiều lần đăng thông tin tìm kiếm đơn vị thẩm định giá cho chung cư này, nhưng tới nay vẫn không thể thực hiện vì không có đơn vị nào chịu tham gia.

Cư dân chung cư Lexington Residence đã nhận nhà và vào ở hơn 10 năm, nhưng tới nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Cư dân chung cư Lexington Residence đã nhận nhà và vào ở hơn 10 năm, nhưng tới nay vẫn chưa được cấp sổ hồng.

Theo thống kê đến tháng 3/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trên địa bàn có gần 40 dự án nhà chung cư thương mại chưa được cấp sổ hồng do chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Ngoài dự án The Harmona kể trên, nhiều dự án khác đang gặp vướng mắc này như chung cư Premium Central (quận 8); chung cư Moon Light Boulevard (phường An Lạc, quận Bình Tân); chung cư Richmond City (quận Bình Thạnh); chung cư Sài Gòn Mia (huyện Bình Chánh)…, tức là có hàng nghìn căn hộ đang chờ được cấp sổ.

Đó mới chỉ là những dự án chưa được cấp sổ do vướng nghĩa vụ tài chính. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, toàn Thành phố có 335 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện cấp sổ với hơn 191.000 căn, trong đó có 110.000 căn đã có sổ, còn lại 81.000 căn chưa được cấp sổ do 6 nhóm vướng mắc chính.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong số 81.000 căn này (số liệu thống kê của UBND TP.HCM từ 1/7/2014 đến 30/4/2023, phục vụ giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố), Thành phố đã giải quyết được phần nhiều, hiện còn khoảng 35.000 căn hộ chưa được cấp sổ.

Thêm hy vọng

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1, Thành phố lập tổ công tác; hoàn tất công tác rà soát, thu thập số liệu, thu thập hồ sơ pháp lý và công bố kết quả thống kê danh mục các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Thời gian hoàn thành trong tháng 10 này.

Giai đoạn 2, thực hiện xác định những khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, cho dù đã được đưa vào sử dụng; thực hiện phân nhóm, phân loại các dự án theo từng nhóm vướng mắc và đề xuất, thông qua các giải pháp tháo gỡ phù hợp với từng cấp thẩm quyền. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/11/2024.

Giai đoạn 3, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Thời gian thực hiện từ tháng 11 đến ngày 31/12/2024.

Có thể thấy, so với những lần trước đó, kế hoạch lần này đã cụ thể và bài bản hơn. Chẳng hạn, với các dự án vướng nghĩa vụ tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cho hay, nghị định mới về giá đất (Nghị định 71/2024/NĐ-CP) đã mở thêm hướng có thể lập tổ công tác liên ngành hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng tư vấn xác định giá đất.

Sở đang kiến nghị với Thành phố bổ sung chức năng tư vấn xác định giá đất cho đơn vị thuộc Sở nhằm hạn chế tình trạng một dự án mời gọi cả chục lần mà không có đơn vị tư vấn giá đất tham gia như trước đây.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, những khó khăn trong việc xác định thông tin định giá đã được nhận diện, do đó các địa phương chỉ chịu trách nhiệm trong từng khâu, chứ không “đánh đồng” như trước. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án bất động sản đang gặp vướng ở khâu định giá đất, tính tiền sử dụng đất toàn bộ dự án hoặc tính tiền sử dụng đất bổ sung. Nếu làm được điều này, Thành phố sẽ giải quyết nhanh được việc cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở đang gặp vướng.

Đối với những dự án bị thanh tra, kiểm tra, ông Châu cho rằng, cần phải ưu tiên cấp sổ cho người mua nhà là bên ngay tình, vô can, yếu thế. Riêng phần lỗi của chủ đầu tư trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc việc thế chấp dự án tại các ngân hàng thương mại thì tách ra xử lý riêng.

Tin bài liên quan