Dự án thành phần 2 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM chậm tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương chưa hoàn thành. Ảnh: Lê Toàn

Dự án thành phần 2 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM chậm tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương chưa hoàn thành. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM: Giám sát 26 dự án đầu tư công, có đến 16 dự án chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Trong 26 dự án đầu tư công được Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM thực hiện giám sát từ ngày 1/8 đến ngày 22/10, có đến 16 dự án chậm tiến độ.

Tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố đã có báo cáo giám sát về tiến độ và hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021 – 2025.

Nhiều dự án điều chỉnh thời gian thực hiện nhiều lần và kéo dài

Theo đó, từ ngày 1/8 đến ngày 22/10, đoàn giám sát đã giám sát tiến độ thực hiện đối với 26 dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách, trong đó có 9 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa thể thao là những công trình sẽ phục vụ Đại hội Thể dục thể thao năm 2026, có 2 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế, 8 dự án thuộc lĩnh vực giao thông và 2 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng.

Tuy nhiên, qua báo cáo cho thấy có đến 16 dự án chậm tiến độ thực hiện.

Cụ thể, đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục, tại thời điểm giám sát, có 9 dự án có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, còn 7 dự án chưa có quyết định phê duyệt dự án do các khó khăn, vướng mắc.

Chẳng hạn, về quy hoạch, quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án mất nhiều thời gian, bên cạnh đó một số dự án vướng mắc về điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dẫn đến chậm phê duyệt dự án đầu tư, điều này đã làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Thành phố hiện chưa có quy hoạch tổng thể không gian xây dựng ngầm đô thị nên các dự án có quy mô từ 2 tầng hầm trở lên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể khó khăn đến quá trình thực hiện hồ sơ thủ tục về quy hoạch.

Việc xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm dự án đang thực hiện (dễ dàng xác định phần vốn) và các khối hiện hữu của đơn vị thụ hưởng (khó khăn trong công tác xác định vốn), vì vậy việc xác định tổng vốn đầu tư của dự án gặp khó khăn và ảnh hưởng đến công tác thực hiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, đoàn giám sát ghi nhận có 7 dự án thi công chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, trong đó có 4 dự án điều chỉnh thời gian thực hiện nhiều lần và kéo dài.

Nguyên nhân được xác định là do tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn chậm. Quá trình từ bước xác định ranh dự án và phạm vi bồi thường cho đến các thủ tục kiểm kê, xác định số hộ dân để lập phương án bồi thường gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các ngành liên quan di dời hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, viễn thông chậm thực hiện, dẫn đến thủ tục xây dựng phải đợi thủ tục giải phóng mặt bằng kéo theo chậm tiến độ của nhiều dự án.

Đối với các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị, đoàn giám sát ghi nhận cả 2 dự án đang triển khai thực hiện, tuy nhiên tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân, công tác rà soát, điều tra hiện trạng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu dự án chưa đầy đủ do lỗi chủ quan của đơn vị tư vấn, làm phát sinh khối lượng (như: tăng chi phí bồi thường, phát sinh thêm hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật, hạng mục phải đầu tư để đảm bảo tính đồng bộ của dự án,...), dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư dự án và phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Đặc biệt, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1/8, các dự án chưa được cấp thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dẫn đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng so với Luật Đất đai 2013, làm ảnh hưởng lớn chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án.

Đến cuối năm sẽ giải ngân trên 80%

Trong phiên thảo luận tại Hội trường diễn ra vào sáng 10/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông cho biết, đến nay thành phố đã giải ngân đạt 33% và đang tập trung cao để trong năm giải ngân đạt trên 80%. Qua rà soát, Thành phố ước từ nay đến cuối năm, khả năng giải ngân đầu tư công sẽ đạt được 81%.

“Thành phố đã xác định nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công năm nay chậm, dồn vào cuối năm. Đó là do gói bổ sung trung hạn phải được chuẩn bị đầu tư và thời gian chuẩn bị choàng qua nửa đầu năm 2024, thậm chí đến giờ này một số dự án chuẩn bị đầu tư chưa hoàn thành.

Ngoài ra, còn do sự thay đổi của các quy định pháp luật, nhất là Luật đất đai mới có hiệu lực từ ngày 1/8 với các chính sách tốt hơn, thành phố chờ để áp dụng nên chậm giải phóng mặt bằng”, ông nói.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân chủ quan. Đó là do công tác quy hoạch, dù đã đưa các dự án vào danh sách trung hạn nhưng chưa kịp thời điều chỉnh quy hoạch dẫn đến mất thời gian trong điều chỉnh quy hoạch. Đó còn là việc giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục của các dự án ở các sở, ngành có lúc chậm.

Bên cạnh đó, còn do việc điều hành của thường trực UBND Thành phố, dù tập trung hàng ngày, hàng tuần họp tháo gỡ, kiểm tra công trình nhưng có thời điểm vẫn chậm. Thành phố đã có chỉ đạo cụ thể đến nhóm các chủ đầu tư và các sở ngành tập trung hồ sơ nhiều; phân công từng đồng chí Thường trực UBND Thành phố phụ trách các dự án có vốn giải ngân lớn, đảm bảo đến cuối năm 2024 đạt trên 80%.

Dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 của TP.HCM, ông Phan Văn Mãi thông tin cả vốn Trung ương giao và vốn địa phương là 85.000 tỷ đồng, nếu chuyển 20% của 2024 sang thì số vốn giải ngân đầu tư công năm 2025 khoảng 100.000 tỷ đồng.

Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố có yêu cầu UBND Thành phố xây dựng đề án giải ngân đầu tư công không chỉ cho 2025 mà trung hạn 2026 - 2030, nhiệm vụ và các giải pháp giải ngân đầu tư công để chủ động giải ngân năm 2025 nhanh hơn, hoàn thành được trung hạn là 250.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan