Theo đó, trong tháng 7/2019, Cục quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra 15.021 vụ chuyên ngành và liên ngành, tăng 8.943 vụ so với tháng trước.
Cụ thể, về buôn bán hàng cấm có 29 hành vi; hàng nhập lậu 210 hành vi; vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ 110 hành vi; vi phạm trong lĩnh vực giá 10 hành vi; vi phạm trong kinh doanh 58 hành vi; vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm 13 hành vi và vi phạm khác 157 hành vi.
Đối với thuốc lá nhập lậu, theo kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2019, Cục quản lý thị trường Thành phố kiểm tra trên các tuyến đường từ Long An, Tây Ninh về TP.HCM và các điểm bán lẻ thuốc lá trong Thành phố, đã kiểm tra 29 vụ, có 16 vi phạm, tạm giữ 5.387 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Đối với hàng nhập lậu, qua kiểm tra hàng hóa nhập lậu, các đội quản lý thị trường đã phát hiện kiểm tra 210 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, kho hàng buôn bán chứa trữ hàng nhập lậu, hàng không có chứng từ hóa đơn, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với hàng giả, trong tháng 7, các đội quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ và cửa hàng trên đường phố, đã phát hiện kiểm tra 110 vụ hàng giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ 23.483 đơn vị sản phẩm quần áo giày dép, dây nịt, mắt kính, phụ kiện điện thoại di động...
Về kết quả xử lý, tổng số vụ đã xử lý 396 vụ, thu hơn 5,1 tỷ đồng tiền phạt hành chính và tiền hàng tịch thu (tăng 3,1% so với tháng trước). Đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá 1,3 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 79,7 tỷ đồng.
Có 57 quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa thi hành, với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 9,6 tỷ đồng; đã chuyển cơ quan điều tra một vụ kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu trị giá khoảng 205 triệu đồng.
Tổng số tiền thu ngân sách hơn 54,673 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 33 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 79,7 tỷ đồng.
Theo Cục Quản thị trường Thành phố, nhằm hạn chế hàng nhập lậu và hàng giả mạo, Cục đã thực hiện đợt cao điểm kiểm tra hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại khu vực chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Hàng hóa bị tạm giữ chủ yếu là túi xách, bóp, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường về xác minh hàng hóa xuất xứ Trung Quốc có dấu hiệu đội lốt Hàng hóa Việt của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo lừa dối người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã tiến hành rà soát các doanh nghiệp có liên quan đến hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo để làm rõ các dấu hiệu vi phạm.