Nở rộ nhà siêu mỏng, siêu nhỏ
Cứ mỗi con đường lớn tại TP.HCM được nâng cấp, mở rộng, dù nội thành hay ngoại thành, đều có thêm ít nhất hàng chục căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ được hình thành.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trên con đường mới Trường Sa - Hoàng Sa có hàng chục ngôi nhà với diện tích chưa tới 10 m2, nhưng được định giá cả tỷ đồng.
Hay tại giao lộ Lũy Bán Bích với Âu Cơ, quận Tân Phú, nhiều người đi đường rất chướng mắt với ngôi nhà đập phá dang dở, rộng chưa tới 10 m2, làm che khuất tầm nhìn, mất mỹ quan đô thị. Dọc theo tuyến đường này hiện tồn tại không dưới 30 căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ kiểu như vậy. Thậm chí, còn có căn nhà mỏng đến mức chiều dài chỉ đủ xây 1 bức tường 20 cm. Trước đó, năm 2014, UBND TP.HCM đầu tư 10 triệu USD mở rộng đường Lũy Bán Bích từ 8 - 10 m lên 23 m.
Trên nhiều tuyến đường mới mở của TP.HCM xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ - Ảnh: Lê Thắng.
Anh Nam, chủ một ngôi nhà siêu nhỏ nằm trên Đại lộ Phạm Văn Đồng cho hay, nhà của anh bị giải tỏa hơn 60 m2, nay chỉ còn 7 m2.
Theo Quyết định số 135/2007 của UBND TP.HCM, với diện tích này anh không thể xây nhà được (Theo Quyết định 135, vị trí mặt tiền, lô đất có diện tích dưới 15 m2, chiều rộng nhỏ hơn 3 m, chỉ được cải tạo theo hiện trạng cũ, không xây mới). Do đó, anh sửa lại ở tạm, tầng trệt anh làm tiệm sửa xe, cả gia đình 4 người phải sinh hoạt trong căn gác lửng chật hẹp.
Anh Nam cho biết thêm, căn nhà này hiện có giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng anh không bán, mà để làm chỗ làm ăn.
Ảnh: Lê Thắng.
Được biết, Đại lộ Phạm Văn Đồng đoạn từ cầu Bình Lợi đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 4,7 km gần như được giải tỏa trắng để làm con đường rộng gần 40 m. Tuy nhiên, sau khi đường hoàn thành, cũng xuất hiện nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, làm ảnh hưởng xấu tới bô mặt đô thị.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, yếu tố then chốt chính là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa được tốt. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ, dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng.
Cần sự thống nhất quy hoạch phát triển hạ tầng
Từ trước tới nay, khi giải tỏa để làm đường, theo quy định, Nhà nước giải tỏa và đền bù phần đất vừa đúng chỉ giới đường, phần còn lại, dù chỉ vài mét vuông cũng không đền bù. Chỗ đất còn lại này vừa mỏng, lại méo, nên người dân muốn bán cũng không dễ.
Theo PGS - TS. Võ Trí Hảo, Phó trưởng Khoa luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Thành phố cần một cơ chế đặc thù để tăng nguồn vốn đầu tư hạ tầng, đó là phát hành trái phiếu công trình. Trái phiếu công trình không ảnh hưởng tới ngân sách quốc gia và đây là cách huy động vốn để phát triển hạ tầng hiệu quả ở nhiều quốc gia khác.
Một căn nhà siêu mỏng trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Lê Thắng
Không những vậy, việc huy động vốn này còn làm thay đổi cả bộ mặt đô thị khi diện tích đất hai bên đường được quy hoạch lại đồng bộ, vừa tăng giá trị, mà không làm xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ.
Để đạt chuẩn quốc gia về hạ tầng, TP.HCM cần phải đầu tư và mở rộng nhiều tuyến đường trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi trong công tác quy hoạch, cũng như đền bù giải tỏa, thì sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa những ngôi nhà “tí hon”, khi đó bộ mặt đô thị sẽ bị phá hỏng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com