Tuyến metro số 1 là một trong những dự án có vốn đầu tư công lớn tại TP.HCM đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Lê Toàn

Tuyến metro số 1 là một trong những dự án có vốn đầu tư công lớn tại TP.HCM đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM đưa 6 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, nhắm đích trên 95%

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới đạt hơn 55% kế hoạch.

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tính đến ngày 15/8, Thành phố đã giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn (cùng kỳ giải ngân là 9.047 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch vốn).

Nếu tính khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước thành phố là 2.533 tỷ đồng, thì tỷ lệ giải ngân đạt 55,8% kế hoạch vốn đã giao.

“Giá trị tuyệt đối vốn đầu tư công đã giải ngân lớn hơn gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân tăng hơn gấp 1,8 lần cùng kỳ. Điều này đã thể hiện được sự chủ động và nỗ lực rất lớn của TP.HCM trong việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay”, ông Phong nói.

Hiện nay, TP.HCM đang triển khai 1.643 dự án đầu tư công với tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2020 là 42.139 tỷ đồng, việc giải ngân hết số vốn này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định, Thành phố sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95% và cho biết, Thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Thứ nhất, trong đầu tháng 9 tới, TP.HCM sẽ ban hành Chương trình hành động thực hiện trong 3 tháng cuối năm, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Đồng thời, xây dựng gói hỗ trợ thứ hai để hỗ trợ doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, trước mắt là các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong đó, điểm nhấn của chính sách hỗ trợ ở các ngành nghề bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 như: du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải và các dịch vụ liên quan đến du lịch,...

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Duy trì thường xuyên họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công 2 tuần/lần. Rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án và điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Thứ ba, hưởng ứng đợt 3 phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, TP.HCM đã giao các các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án.

Phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân. Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để thảo luận, giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về đầu tư của Thành phố.

Thành phố đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng Sơ đồ Gant và đặt mục tiêu khởi công trước Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 các dự án trọng điểm của TP.HCM  như: dự án Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM, Xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Mở rộng khối nhà trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đưa vào hoạt động khu khám bệnh ngoại trú của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 ở Quận 9…

TP.HCM đưa 6 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, nhắm đích trên 95% ảnh 1

Thi công tại tuyến metro số 1. Ảnh: Lê Toàn

Thứ năm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.   

Đến nay, TP.HCM đã xây dựng xong hệ số điều chỉnh giá đất của 187 dự án tại 24 quận, huyện để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự kiến đầu tháng 9 năm 2020 sẽ ban hành để triển khai thực hiện.   

Thứ sáu, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư và công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo 2 nội dung.

Cụ thể, ngày 20/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã làm việc với TP.HCM để giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với 12 dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM.

Do đó, Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Thông báo kết luận để TP.HCM triển khai thực hiện. 

Hiện nay, TP.HCM có 126 dự án chậm thực hiện do vướng quy định về xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án.

Thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên giúp TP.HCM và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện.

Tin bài liên quan