Do mặt đường hẹp nên Quốc lộ 13 (đoạn chạy qua TP.HCM) thường xuyên bị kẹt xe
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án có tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng…
Trao đổi trước đó với Báo Đầu tư, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết, dự án trước đây nằm trong dự án BOT Cầu Bình Triệu do Công ty CII làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên do có các thay đổi về chủ trương nên trong tháng 6/2019, UBND Thành phố có giao nhiệm vụ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (Đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu).
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang chủ trì công tác xác định khối lượng do Nhà đầu tư đã thực hiện để kết thúc hợp đồng với Nhà đầu tư. Sau khi các bên kết thúc hợp đồng BOT nói trên, Sở Giao thông vận tải sẽ trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư công.
Dự kiến dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công và được thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021 thì dự kiến tiến độ đến năm 2025 sẽ thi công hoàn thành dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, Quốc lộ 13 được coi là "xương sống" để nối tỉnh Bình Dương với TPHCM. Dọc theo tuyến Quốc lộ 13, các dự án cũng đang mọc lên như nấm sau mưa như dự án Opal Skyline, Opal Central Park với khoảng 10.000 sản phẩm do Tập đoàn Đất Xanh phát triển tại trung tâm TP. Thuận An; dự án Astral City của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt…
Tuy nhiên, trong khi tỉnh Bình Dương đã mở rộng 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe nhưng khi về tới Thành phố Thủ Đức (TPHCM) bị "thắt cổ chai" nên hầu như ngày nào cũng bị kẹt xe.