Cơ hội trong bối cảnh thế giới mới
Ông Vũ Thành Tự Anh, Ðại học Fulbright Việt Nam cho biết, các khía cạnh cốt yếu để đánh giá một trung tâm tài chính chính là môi trường kinh doanh, nguồn vốn, con người, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của ngành tài chính, danh tiếng của thành phố. So với các thành phố trong khu vực, TP.HCM đang ở thứ hạng khiêm tốn.
Chẳng hạn, quy mô kinh tế và thu hút thương mại của TP.HCM xếp thứ 128 và 55 trên 300 thành phố trên toàn cầu (theo Global 300 City Toolkit), cách xa vị trí của nhiều thành phố khác trong khu vực; năng lực cạnh tranh toàn cầu xếp thứ 77, trong khi các thành phố trong khu vực ở vị trí thứ 45 trở lên; quy mô thị trường chứng khoán quá nhỏ bé...
Nhưng TP.HCM có cơ hội vươn lên trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới trong bối cảnh mới: sự vươn lên của Top 5 trung tâm tài chính London, New York, Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải và sự suy giảm của các thị trường hàng đầu trong quá khứ như Tokyo, Frankfurt, Paris, Milan; châu Á nổi lên như một cường quốc kinh tế toàn cầu; sự gia tăng của tầng lớp người tiêu dùng châu Á mới; sự xuất hiện trở lại của Con đường tơ lụa lịch sử kết nối các trung tâm thương mại lớn của châu Á và Trung Ðông; triển vọng bùng nổ các thương vụ mua bán và sáp nhập ở châu Á trong hầu hết các lĩnh vực đi cùng xu hướng hợp nhất ngành…
“Chỉ khi có biến động thì chúng ta mới có cơ hội vươn lên, chứ mọi thứ ổn định thì rất khó để chen chân vào”, ông Tự Anh nói.
Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, với vị thế địa lý tiềm năng, TP.HCM có cơ hội vươn lên trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhưng còn nhiều vấn đề phải giải quyết khi nhìn vào các yếu tố cạnh tranh nói trên.
Ông Sử Ðình Thành, Ðại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, xét về tính hội tụ, TP.HCM đã lộ diện một trung tâm tài chính khi chiếm đến 20% GDP, 30% tổng thu ngân sách, 26% số doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp, 30% tổng dư nợ vay và vốn huy động của các ngân hàng so với cả nước.
Tuy nhiên, TP.HCM mới chỉ phát huy ở phía Nam, mức độ tác động và chu chuyển vốn trên phạm vi cả nước vẫn khiêm tốn, nên để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vẫn còn khoảng cách xa.
Với xuất phát điểm như vậy, ông Thành kiến nghị, trước hết, cần thành lập Ủy ban xúc tiến phát triển trung tâm tài chính TP.HCM. Ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng chiến lược tổng thể, điều phối giữa các bộ, ngành rà soát các chế độ, khuôn khổ pháp lý phục vụ cho phát triển trung tâm tài chính TP.HCM.
Ông Willim Huang, Giám đốc điều hành Cornerstone Capital Fund Management chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm tài chính quốc tế Lục Gia Thủy, Thượng Hải, Trung Quốc. Chính phủ đã cho phép Thượng Hải xây dựng chính sách, quy trình cấp phép nhằm thu hút nguồn vốn, con người, tinh chỉnh các ưu đãi về thuế, ưu đãi về chính sách tiền tệ, khuyến khích các công ty công nghệ tài chính (FinTech)...
Năm 2018, Lục Gia Thủy thực hiện chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ tài chính, hợp tác với nhiều vườn ươm nổi tiếng thế giới như PNO nhằm phát triển các công ty FinTech, thu hút nhân tài và những người khởi sự. Ngoài ra, Lục Gia Thủy thúc đẩy hợp tác với Thành phố khoa học Trương Giang nhằm kết hợp sực mạnh tổng hợp giữa tài chính và khoa học công nghệ.
Ðến tháng 5/2019, Lục Gia Thủy đã có 855 tổ chức tài chính được cấp phép và đăng ký, trong đó có nhiều tổ chức đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, Sàn giao dịch kim cương Thượng Hải, Sàn giao dịch dầu khí Thượng Hải...
Trong năm 2018, Lục Gia Thủy có diện tích 31,78 km2, với 252 tòa nhà văn phòng cao tầng, thu hút 43.000 tập đoàn, công ty đăng ký hoạt động, thu được khoản thuế 15,3 tỷ USD.
Ông Willim Huang nhận xét, Khu đô thị Thủ Thiêm của TP.HCM có vị thế giống như Lục Gia Thủy ở Thượng Hải và các số liệu kinh tế tương đồng với Thượng Hải những năm 2000.
Thanh toán điện tử có thể là đòn bẩy
Trong khi Fulbright Việt Nam kỳ vọng TP.HCM sẽ chọn FinTech là ngành đột phá trong việc phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM và câu chuyện thành công của một số doanh nghiệp khởi nghiệp (starup) trong lĩnh vực này là cảm hứng cho các nhà nghiên cứu, thì một số chuyên gia cho rằng, thanh toán điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng.
Bà Ðặng Tuyết Dung, Giám đốc vùng Visa Việt Nam, Lào cho hay, Visa đã tham gia vào chương trình của Singapore trong thanh toán điện tử như thanh toán qua App không chạm trên các hệ thống giao thông công cộng, chuẩn hóa QR code để triển khai thanh toán điện tử ở các trung tâm thương mại, khu dịch vụ ăn uống, các tiểu thương. Ngoài ra, Singapore có chương trình quốc gia số hóa toàn bộ quy trình kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để tăng cường kết nối SME trong hệ sinh thái của Singapore trong nước cũng như nước ngoài, giúp tận dụng các cơ hội kinh doanh mới. Ở thị trường Hồng Kông, thanh toán điện tử đóng vai trò lớn trong xây dựng hệ thống ngân hàng thông minh, hỗ trợ thanh toán nhanh hơn...
Kinh nghiệm của Visa với nhiều thị trường tài chính lớn khác cho thấy, lĩnh vực thanh toán công của chính phủ như thuế, hải quan, bảo hiểm được ứng dụng thanh toán điện tử sẽ là đòn bẩy cho xây dựng trung tâm tài chính thông minh, là đòn bẩy cho không chỉ ngành tài chính - ngân hàng, mà phát triển cả các ngành khác.
Theo nghiên cứu của Visa, lĩnh vực Việt Nam đang tụt lại phía sau là sự kết nối của người tiêu dùng, doanh nghiệp với thanh toán của Chính phủ. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, từ năm 2017 đến 2032, sự dịch chuyển thanh toán dùng tiền mặt sang thanh toán điện tử mang lại lợi ích cho TP.HCM khoảng 2,2 tỷ USD. Cụ thể, trong lĩnh vực tiêu dùng là 723 triệu USD, từ doanh nghiệp là 877 triệu USD và thanh toán của Chính phủ dự tính mang lại 681 triệu USD tác động tăng trưởng GDP.
“Vì thế, trong lộ trình xây dựng trung tâm tài chính thì thanh toán điện tử phải trở thành đòn bẩy chính và điểm đặc biệt cần tính đến trong phát triển trung tâm tài chính là xây dựng hệ sinh thái thương mại mở. Các sáng tạo của Việt Nam phát triển nhanh, nhưng đều đang ở trạng thái đóng, tức hạn chế tăng quy mô cũng như kết nối tất cả thành viên tham gia vào hệ sinh thái. Ðây là cơ hội cần tính đến trong dài hạn”, bà Dung nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM tới đây sẽ phải quan tâm hơn đến doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực FinTech và đi đầu trong ứng dụng 5G, phủ sóng toàn thành phố vào năm 2025 để làm hạ tầng cơ sở cho thanh toán điện tử và phát triển trung tâm tài chính. Ngoài ra, khi Việt Nam đặt mục tiêu nâng thứ hạng môi trường kinh doanh lên vị trí thứ 4 trong khu vực thì TP.HCM phải phấn đầu xếp vị trí 2, vượt lên trên môi trường kinh doanh cả nước. Như vậy mới kỳ vọng phát triển trung tâm tài chính thành công.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM cần tính đến đặc thù thị trường tài chính Việt Nam khi vai trò của các ngân hàng là chủ yếu. Tâm lý và kỳ vọng của thị trường ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối nên cần từng bước hạn chế tình trạng đô la hóa.
Theo ông Trần Ðắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, sự phát triển của một trung tâm tài chính cần được gắn với sự phát triển của thị trường chứng khoán trên địa bàn, tạo ra lợi thế cho trung tâm tài chính TP.HCM trong việc thu hút các định chế tài chính nước ngoài, mở ra cơ hội thu hút các công ty niêm yết, huy động vốn.